Có nên 'hợp thức hóa' nhà xây không phép?

08/05/2020 07:39 GMT+7

Việc Sở Xây dựng TP.HCM hướng dẫn cho 3 nhóm nhà ở vi phạm xây dựng được hợp thức hóa khiến nhiều người lo ngại sẽ tạo tiền lệ xấu, phát sinh tiêu cực...

Theo văn bản hướng dẫn các tiêu chí phân loại công trình vi phạm trật tự xây dựng nhằm giải quyết dứt điểm các công trình xây dựng trái phép của Sở Xây dựng TP.HCM, có 3 nhóm nhà ở vi phạm xây dựng sẽ được hợp thức hóa.

3 nhóm vi phạm được tồn tại

Cụ thể, nhóm thứ nhất là những công trình xây dựng sai giấy phép sửa chữa, cải tạo, sai giấy phép xây dựng, xây dựng không phép, sai thiết kế hoặc quy hoạch được duyệt theo Nghị định 121 năm 2013. Hành vi vi phạm xây dựng đã kết thúc trước ngày 15.1.2018 (ngày Nghị định 139 năm 2017 có hiệu lực).
Tuy nhiên, các công trình này muốn tồn tại phải đáp ứng các điều kiện như: vi phạm từ ngày 4.1.2008 đến 15.1.2018, nhưng sau ngày 15.1.2018 mới được người có thẩm quyền phát hiện hoặc đã được phát hiện trước ngày 15.1.2018 và đã có biên bản vi phạm hành chính, có quyết định xử phạt vi phạm hành chính, có quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc áp dụng bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả.
Nhóm thứ hai là những công trình xây dựng không phép, sai phép, sai thiết kế, quy hoạch (theo Nghị định 180 năm 2007) xảy ra từ ngày 4.1.2008 và đã kết thúc trước ngày 15.1.2018, nhưng sau ngày 15.1.2018 mới được phát hiện.
Cả 2 nhóm này đều phải là những công trình không vi phạm chỉ giới xây dựng, không ảnh hưởng các công trình lân cận, không tranh chấp, đất có quyền sử dụng hợp pháp và phù hợp quy hoạch xây dựng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, chủ đầu tư công trình phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với nhà ở riêng lẻ. Riêng đối với công trình là dự án đầu tư, chủ đầu tư phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế... Sau khi nộp phạt đầy đủ thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng, hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng cho công trình đó.
Nhóm thứ ba là những công trình xây dựng không phép, sai phép sau ngày 15.1.2018. Những công trình này hiện vẫn còn tồn tại, không vi phạm chỉ giới xây dựng, không ảnh hưởng đến các công trình lân cận, không tranh chấp, đất có quyền sử dụng hợp pháp, phù hợp quy hoạch, đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng đã cấp. Các công trình trên sẽ được các cơ quan liên quan xử lý theo hướng cấp giấy phép xây dựng mới cho chủ nhà hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng cho phù hợp với hiện trạng công trình trước khi được hoàn công, cấp giấy chủ quyền cho công trình.
Ngoài những trường hợp nằm trong ba nhóm trên thì những trường hợp xây dựng tại đất nông nghiệp hay lấn chiếm; đất hành lang kênh rạch; xây dựng sai mẫu nhà trong các dự án đã có quy hoạch 1/500… không thuộc trường hợp được xem xét trong ba nhóm công trình trên nên không được xem xét để điều chỉnh hoặc cấp giấy phép xây dựng và phải bị xử lý tháo dỡ.
Theo ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, căn cứ vào các nhóm hành vi vi phạm trật tự xây dựng, UBND các quận, huyện chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát hồ sơ xử lý vi phạm hành chính, thống kê, phân loại xử lý các công trình vi phạm trật tự xây dựng theo 3 nhóm gửi về Sở Xây dựng. Trên cơ sở này, Sở sẽ có văn bản hướng dẫn các quận, huyện phân loại xử lý đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng. Từ đây UBND các quận, huyện lập tổ công tác xem xét, rà soát, có ý kiến giải quyết đối với từng trường hợp cụ thể.

Cơ hội cho người vi phạm “chạy”

Theo lãnh đạo một quận trên địa bàn TP.HCM, trước đây Nghị định 121 cho phép các hành vi xây sai nội dung giấy phép xây dựng; xây không có giấy phép; sai thiết kế, sai quy hoạch hoặc thiết kế đô thị được phê duyệt ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính còn bị áp dụng biện pháp buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp theo quy định để tồn tại. Tuy nhiên, Nghị định 139 có hiệu lực ngày 15.1.2018 đã “chặt” hơn khi công trình đang xây dựng mà sai chỉ giới xây dựng, cơi nới lấn chiếm sẽ tháo dỡ ngay. Đối với công trình đang triển khai xây dựng và không vi phạm các yếu tố trên sẽ có 60 ngày để bổ sung thủ tục, nếu quá thời hạn trên, không có đầy đủ hồ sơ sẽ bị tháo dỡ những phần xây dựng sai phạm.
Bên trong 17 công trình xây dựng sai phép quy mô lớn ở Q.2 chiều 7.5 vẫn có công nhân làm việc Ảnh: Ngọc Dương

Bên trong 17 công trình xây dựng sai phép quy mô lớn ở Q.2 chiều 7.5 vẫn có công nhân làm việc

Ảnh: Ngọc Dương

Chính vì vậy, việc Bộ Xây dựng và nay đến Sở Xây dựng phân làm 3 nhóm để cho tồn tại, nhất là nhóm thứ ba cho tồn tại sẽ tạo ra tiền lệ xấu để chủ đầu tư các công trình xây dựng không tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật, thậm chí tạo kẽ hở để người vi phạm xây dựng “chạy”.
“Quy định này sẽ tạo tiền lệ xấu, phát sinh tiêu cực ở các địa phương, phát sinh nhũng nhiễu thậm chí tham nhũng trong lĩnh vực xây dựng. Luật là phải nghiêm khi quy định rõ ràng, xây dựng sai là phải đập bỏ, không có chuyện nước đôi cho 60 ngày để hợp thức hóa sai phạm”, vị này cho hay.
Luật sư Hoàng Thu, Đoàn luật sư TP.HCM, đặt vấn đề: Nếu áp dụng Nghị định số 121 để xử phạt những công trình vi phạm xây dựng tồn tại từ năm 2008 đến khi cho “nộp phạt để tồn tại” liệu có ổn và đủ sức răn đe? Bởi đây là những trường hợp chống đối, không tuân thủ các quy định pháp luật hoặc do cán bộ công chức làm sai.

Tạo tâm lý chờ đợi hợp thức hóa

Thực tế cho thấy, quy định xử phạt đối với những trường hợp vi phạm như xây dựng sai phép, không phép đã liên tục có những bước lùi như khi thì cho nộp phạt để tồn tại, khi không; cho 60 ngày để "chạy" giấy tờ và bây giờ là xét một số điều kiện để được tồn tại.

Đồ họa: Đông Xuân

Theo ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, thực tế tại các địa phương, việc xử lý dứt điểm các công trình trên không khó nhưng các cơ quan chức năng không làm, một phần không muốn “bươi” sai phạm ra vì có thể sẽ ảnh hưởng đến nhiều người. Không những vậy, việc xử lý vi phạm xây dựng lại vướng bởi sự không rõ ràng của Nghị định 121. Nghị định này quy định khi công trình thỏa mãn một số điều kiện thì chủ đầu tư được nộp phạt cho phần vi phạm xây dựng, bằng 40 - 50% giá trị phần vi phạm, tùy công trình là nhà ở riêng lẻ hay dự án. "Thay vì bắt buộc các chủ đầu tư phải tháo dỡ ngay các diện tích vi phạm và tổ chức cưỡng chế để răn đe, để thấy được sự nghiêm minh của pháp luật thì nhiều địa phương đã chấp thuận cho vi phạm tồn tại bằng cách cho các công trình này hoàn công sau khi đóng một khoản phạt khá tượng trưng", ông Liêm bức xúc
Ông Đinh Duy Trinh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư bất động sản Việt Nam, cho rằng do sự không nghiêm minh của pháp luật, của những người thực thi pháp luật, nên có một thực tế đang diễn ra là rất nhiều quyết định xử phạt vi phạm đã đưa ra nhưng mất hàng năm trời không thực hiện được đã gây bức xúc, thiệt hại rất lớn cho người dân, những người thực thi pháp luật một cách nghiêm túc. “Cách xử lý thiếu dứt khoát, tạo nhiều kẽ hở là một trong những lý do dẫn đến tình hình xây dựng không phép, trái phép diễn ra tràn lan. Do tâm lý chờ đợi hợp thức hóa nhà xây sai phép, không phép nên người ta cứ vô tư vi phạm và cứ thế điều này chỉ làm tình trạng xây dựng trái phép không có hồi kết”, ông Trinh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.