Đường lọt thỏm trong rừng cao ốc
Bên cạnh Linh Đàm, tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu đang trở thành một trong những câu chuyện điển hình của sự thất bại trong quy hoạch, dẫn đến ùn tắc cục bộ diễn ra nhiều nơi tại TP.Hà Nội. Năm 2010, đường Tố Hữu (Lê Văn Lương kéo dài) thông xe, với mặt cắt ngang 40 m, chia 6 làn xe cơ giới. Thời điểm này, trục đường phía tây Lê Văn Lương - Tố Hữu vẫn khá hoang vắng khi chỉ mới xuất hiện khu đô thị Dương Nội cuối đường Tố Hữu.
Tuy nhiên, con đường mới mở ra ngay lập tức được “nhồi” thêm hàng chục tòa nhà cao từ 25 - 35 tầng dọc tuyến. Riêng đường Lê Văn Lương, dù chỉ dài chưa đầy 2 km nhưng theo thống kê có ít nhất 40 tòa nhà cao tầng mọc lên. Đường Tố Hữu “chậm chân” hơn, nhưng cũng đang được nhanh chóng lấp đầy với loạt dự án đang triển khai... Không những thế, việc chỉ còn 4 làn xe, sau khi 2 làn được cắt riêng dành cho tuyến buýt nhanh BRT, đã biến Lê Văn Lương - Tố Hữu thành một trong những trục đường ùn tắc kinh khủng nhất Hà Nội trong 3 - 4 năm trở lại đây.
Tương tự, tuyến đường vành đai 3 từng một thời thưa thớt xe cộ hiện đã biến thành “đường nội đô” khi hàng loạt dự án chung cư mọc lên dọc tuyến. Đặc biệt, áp lực với hạ tầng giao thông dọc tuyến này càng lớn khi Hà Nội phê duyệt thiết kế đô thị dọc hai bên tuyến cho phép xây công trình cao tối đa 50 tầng. Để giải tỏa, TP.Hà Nội phải sử dụng các giải pháp tình thế như xén dải phân cách, lấy quỹ đất mở rộng lòng đường, tuy nhiên tình trạng ùn tắc cục bộ vào giờ cao điểm vẫn xảy ra trên tuyến Nguyễn Xiển.
Đường vành đai 2 trên cao đoạn từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở kết hợp mở rộng theo quy hoạch phần dưới thấp từ Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng khởi công tháng 4.2018, với kỳ vọng sẽ giải tỏa các điểm nghẽn ùn tắc nhiều năm nay như đoạn Ngã Tư Vọng, Minh Khai, nhưng cũng đang chịu chung số phận “đường vừa mở, nhà đã xây kín”. Dù vẫn đang trong giai đoạn xây dựng, tuyến đường này đã được “khép kín” với hàng loạt dự án cao ốc cả cũ lẫn mới như UDIC Riverside, Hòa Bình Green City, Green Pearl...
"Đại lộ đẹp nhất TP" chìm trong nước
Không chỉ ùn tắc giao thông, việc quy hoạch manh mún cũng được nhận định là nguyên nhân chính khiến TP.HCM gần 1 thập niên qua loay hoay với việc càng chống càng ngập. Những ngày qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ảnh của người dân sống tại Q.Thủ Đức về việc đường Phạm Văn Đồng ngập nặng sau cơn mưa chiều 17.7, khiến hàng loạt phương tiện chết máy, người dân chôn chân ngâm nước nhiều giờ vì kẹt xe.
Nếu chỉ dựa vào một vài dự án cải tạo đường ống thoát nước thì không thể hết ngập. Do đó, TP cần có bản kế hoạch bao trùm, tổng hợp sự phối hợp từ tất cả các ngành giao thông, quy hoạch, kiến trúc, xây dựng
KTS Ngô Viết Nam Sơn
|
Với một con đường được mệnh danh là “đại lộ đẹp nhất TP” với các hệ thống hạ tầng, cảnh quan được đầu tư bài bản, chất lượng, lại nhanh chóng biến thành điểm đen ngập nước chỉ sau 6 năm thông xe, không khỏi khiến người dân bức xúc. Liên hệ với đại diện Trung tâm hạ tầng đô thị - đơn vị quản lý, vận hành hệ thống thoát nước, chống ngập TP - vị này cho biết qua khảo sát, đường Phạm Văn Đồng ngập không phải do hệ thống cống thoát nước yếu mà vì các cổng xả nước chưa được đảm bảo và dự án cải tạo đường thoát nước do UBND Q.Thủ Đức làm chủ đầu tư chưa thể triển khai.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Nam Nghĩa, thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Q.Thủ Đức, lý giải trước đây khu vực đường Phạm Văn Đồng, Tô Ngọc Vân có 2 hướng thoát nước chính là 2 dòng mương dọc khu vực đường ray xe lửa. Theo đó, toàn bộ nước mưa sẽ theo đường mương chảy về phía chợ Thủ Đức, tiếp tục thoát nước theo các hướng khác.
Tuy nhiên kể từ khi đường Phạm Văn Đồng được cải tạo, nâng mặt đường lên quá cao, nước mưa chảy dồn về hướng giao lộ với đường Tô Ngọc Vân, gây sức ép lên 2 hướng thoát nước hiện hữu. Mặt khác, một số vị trí lòng mương đã bị thu hẹp vì người dân lấn chiếm, đặt tấm bê tông phía trên. Do đó, hệ thống thoát nước toàn bộ khu vực này không được đảm bảo. “UBND quận đã đề xuất thực hiện dự án xây dựng hệ thống thoát nước dọc đường ray xe lửa, bao gồm việc cải tạo 1 nhánh mương hiện hữu và hình thành 2 hướng thoát nước mới. Hiện dự án đã hoàn thành bước thiết kế cơ sở, dự kiến đến đầu tháng 8 sẽ trình Sở Xây dựng phê duyệt bản vẽ thi công và có thể tiến hành thi công vào đầu năm 2020”, vị này cho hay.
KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận định câu chuyện đường Phạm Văn Đồng là điển hình cho sự thiếu đồng bộ, manh mún trong quy hoạch các công trình chống ngập của TP. Việc buông lỏng cấp phép xây dựng khiến công tác đánh giá báo cáo tác động môi trường của các dự án không hiệu quả. Điều này được minh chứng rõ qua việc những khu vực ngập nặng nhất, những điểm ngập mới đều nằm gần các công trình mới được xây dựng.
“Muốn dứt điểm ngập, phải nhìn từ quy hoạch cả khu vực chứ không chỉ tập trung giải quyết mỗi con đường. Đối với các tuyến đường trung tâm cũng vậy, nếu chỉ dựa vào một vài dự án cải tạo đường ống thoát nước thì không thể hết ngập. Do đó, TP cần có bản kế hoạch bao trùm, tổng hợp sự phối hợp từ tất cả các ngành giao thông, quy hoạch, kiến trúc, xây dựng...”, ông Sơn đề xuất.
Vỡ quy hoạch hạ tầng
Theo GS Vũ Trọng Hồng, nguyên Chủ tịch Hội Thủy lợi VN, dân số gia tăng chóng mặt sau khi Hà Tây sáp nhập về thủ đô, đặc biệt trong khu vực nội đô, trong khi giải pháp lớn để giảm tải là phát triển 5 đô thị vệ tinh, giãn dân, di dời các trường ĐH, bệnh viện lại đang triển khai quá chậm chạp. Không chỉ người dân kêu, mà ngay cả Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã báo cáo trước Chính phủ quá trình đô thị hóa vệ tinh Hà Nội không đạt kế hoạch.
Theo ông Hồng, Hà Nội đã không kiểm soát được sự gia tăng dân số, đặc biệt là dòng người nhập cư đổ dồn vào các quận nội đô, khiến mọi dự báo trong quy hoạch hạ tầng trước đây đều nhanh chóng đổ vỡ. “Ví dụ như P.Trung Liệt (Q.Đống Đa), báo cáo thống kê của phường cho biết có tới 40% là người dân tạm trú, các phường khác trên quận cũng tương tự. Lượng người nhập cư đổ vào quá lớn khiến hoạt động giao thông luôn tắc nghẽn, quá tải cả cơ sở hạ tầng điện nước”, ông Hồng nhìn nhận.
Theo chuyên gia này, bên cạnh việc mất kiểm soát dân số, việc đô thị hóa vô tội vạ cũng là vấn đề của Hà Nội, trong khi bàn mở rộng các tuyến đường thì hàng loạt khu đô thị đã mọc lên đón đầu. “Trong khi các đô thị vệ tinh như Phúc Thọ, Xuân Mai có đầy đủ hạ tầng đường, điện, có cả các khu chung cư nhưng không phát triển được, cũng không ai trả lời câu hỏi đô thị vệ tinh đi đến đâu”, ông Hồng chia sẻ.
Với TP.HCM, kỹ sư Lê Thành Công, Giám đốc Công ty TNHH thiết kế tư vấn xây dựng D&C, khẳng định TP có bỏ ra hàng trăm ngàn tỉ đồng thì ngập vẫn sẽ hoàn ngập vì sai lầm ngay từ vấn đề cốt lõi là quy hoạch. Năm 2001, Chính phủ đã ban hành Quyết định 752 phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM đến năm 2020. Tuy nhiên đến năm 2008, quy hoạch thủy lợi 1547 chống ngập úng khu vực TP.HCM lại được phê duyệt với mục tiêu giải quyết tình trạng ngập lụt của TP trong phạm vi diện tích vùng trung tâm 209.500 ha và một số vùng phụ cận. Đến 2010, TP lại ban hành quy hoạch 24 về phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn 2030 mà trong đó có chương quy hoạch thoát nước mưa và nước thải. Như vậy hiện TP có 3 quy hoạch pháp lý còn hiệu lực, không biết phải làm theo cái nào. Chưa kể khi có các dự án quốc tế thì mỗi dự án lại có một tư vấn, thiết kế riêng khiến việc triển khai trở thành tùy tiện, bừa bãi.
Theo ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM, dự báo nhu cầu đi lại không sát với thực tế là do yếu kém trong năng lực, phương pháp tính của tư vấn và tầm nhìn ngắn. Quy hoạch sai thì việc sửa sai là rất tốn kém, thậm chí phải phá bỏ làm lại, tốn hàng trăm nghìn tỉ.
|
Bình luận (0)