Khách đến du lịch nhiều nhưng lưu trú rất thấp

02/10/2018 07:06 GMT+7

Tuy có sự tăng trưởng nhưng lượng khách lưu trú lại rất thấp, chỉ khoảng hơn 2 triệu người, mức chi tiêu của du khách tại vùng ĐBSCL còn thấp hơn so với chi tiêu bình quân của khách du lịch VN.

Ngày 1.10, tại TP.Long Xuyên (An Giang), Tổng cục Du lịch (Bộ VH- TT- DL), Văn phòng Điều phối nông thôn mới T.Ư (Bộ NN-PTNT), UBND tỉnh An Giang, Báo Nông Thôn Ngày Nay và các cơ quan liên quan đã phối hợp tổ chức hội thảo “Nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch nông nghiệp khu vực ĐBSCL” với sự tham dự của hơn 180 đại biểu các sở ngành khu vực ĐBSCL và các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, đơn vị trực tiếp kinh doanh sản xuất nông nghiệp.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đạo Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Lữ hành - Tổng cục Du lịch, cho hay ĐBSCL là một trong 7 vùng du lịch trọng điểm của du lịch VN, với ưu thế về tài nguyên thiên nhiên phong phú của hệ sinh thái vùng hạ lưu sông Mê Kông, kết hợp với tinh hoa văn hóa, lịch sử cộng đồng đã tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo. Theo thống kê, trong năm 2017, ĐBSCL đã đón tiếp trên 20 triệu lượt khách, tăng trung bình 9%/năm. Tuy có sự tăng trưởng nhưng lượng khách lưu trú lại rất thấp, chỉ khoảng hơn 2 triệu người, mức chi tiêu của du khách tại vùng ĐBSCL còn thấp hơn so với chi tiêu bình quân của khách du lịch VN.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nêu thế mạnh du lịch của vùng. Theo ông Ngô Hoài Chung - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, những năm trở lại đây, du lịch VN phát triển mạnh mẽ nhưng tập trung chủ yếu ở những vùng ven biển, đô thị lớn. Việc đầu tư du lịch chủ yếu gắn với đầu tư bất động sản du lịch, đầu tư du lịch gắn với nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, việc quy hoạch không gian sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn để đảm bảo thu hút đầu tư phục vụ du lịch gặp nhiều khó khăn do hoạt động sản xuất nông nghiệp lạc hậu, manh mún…
Do vậy, ông lưu ý, việc liên kết hình thành chuỗi giá trị giữa nông nghiệp và du lịch là hết sức quan trọng, đem lại nhiều giá trị tích cực, đặc biệt là vấn đề tạo sinh kế, tăng thu nhập cho bà con nông dân vùng ĐBSCL, góp phần gìn giữ được nghề nông nghiệp truyền thống, duy trì được sản vật địa phương có giá trị, tích tụ đất đai và lực lượng lao động nông nghiệp lành nghề…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.