Về đích nhiều dự án trọng điểm
Kết thúc năm 2019, TP.HCM đã làm mới và đưa vào sử dụng 21,665 km đường bộ, xây dựng mới 7 cây cầu, góp phần giảm ùn tắc tại một số điểm đen giao thông. Đại diện Sở GTVT TP.HCM thừa nhận do nhiều khó khăn về vốn, thủ tục, năm qua, TP.HCM vẫn chưa thể triển khai các dự án trọng điểm như khép kín đường vành đai 2, xây dựng thêm đường vành đai 3, mở rộng khu vực các cửa ngõ... Việc hệ thống hạ tầng giao thông phát triển không đáp ứng kịp, trong khi số lượng phương tiện giao thông cá nhân tiếp tục tăng mạnh mà chưa có giải pháp kiểm soát hiệu quả khiến tình trạng ùn tắc ngày càng diễn biến phức tạp.
Theo vị này, năm 2020 TP phấn đấu làm mới đưa vào sử dụng 81 km đường bộ và 18 cây cầu, mật độ đường giao thông đạt 2,2 km/km². Gần nhất, nhánh N2 hầm chui An Sương - công trình được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết tình trạng quá tải nghiêm trọng tại phía bắc TP - dự kiến hoàn thành vào tháng 6.2020. Nút giao thông 3 tầng này sẽ giảm giao cắt giữa các luồng xe trong nút, thay đổi hoàn toàn diện mạo giao thông khu vực phía bắc. Cùng với đó, công trình cầu Thủ Thiêm 2 dự kiến hoàn thiện vào quý 3/2020 không chỉ rút ngắn khoảng cách từ Q.1 sang Q.2, tạo đà phát triển toàn khu đông TP - Thủ Thiêm (Q.2) mà còn giải phóng lô cốt, lưu thông thuận tiện khu vực giao đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Hữu Cảnh. Đồng thời, giảm áp lực giao thông cho đường hầm sông Sài Gòn, xa lộ Hà Nội và đường Nguyễn Hữu Cảnh.
Ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (BQLDA), thông tin thêm: Dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám (đoạn từ đường Cộng Hòa cho tới cổng gác sân bay) đã chọn được nhà thầu. UBND Q.Tân Bình mới thông báo đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, dự kiến có thể khởi công ngay trong quý 1/2020. Ngay sau đó, trong quý 2/2020, BQLDA sẽ triển khai dự án mở rộng đường Cộng Hòa (đoạn thắt nút cổ chai ngay cầu vượt thép vào sân bay). Dự án này hiện cũng đã chọn được nhà thầu và đang chờ giao nốt mặt bằng sạch. Hai dự án này chắc chắn sẽ được triển khai trong năm 2020.
Mở đường cho giao thương, du lịch
Là đầu mối trung chuyển hàng hóa của cả 2 vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ, bao năm qua, kết nối giao thông giữa TP.HCM và các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm yếu kém đã kéo theo thiệt hại rất lớn. Ách tắc là nguyên nhân chính khiến chi phí vận chuyển hàng hóa từ TP.HCM đi các tỉnh cao hơn so với các nước khác. Không chỉ giao thương, hạ tầng giao thông về các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam bộ cũng được nhận định là nguyên nhân chính khiến việc giao lưu, kết nối du lịch giữa TP.HCM và các tỉnh trì trệ, mãi chưa thể phát triển.
Một trong những nút thắt lớn nhất trong việc kết nối liên vùng giữa TP.HCM đi các tỉnh là việc chậm trễ khép kín hệ thống đường vành đai và thiếu bóng các tuyến cao tốc xương sống. Vì vậy, nhiệm vụ quan trọng của ngành giao thông TP trong năm mới là đẩy nhanh các thủ tục, khép kín đường vành đai 2, xúc tiến đường vành đai 3 và mở rộng các tuyến đường cửa ngõ.
Cụ thể về đầu tư khép kín đường vành đai 2, đối với đoạn 1, đoạn 2 và đoạn 4, hiện đang bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư công dự án trong quý 1/2020. Sở GTVT sẽ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc thực hiện để hoàn tất các thủ tục đầu tư tập trung triển khai thực hiện dự án sau năm 2020, đồng thời tham mưu điều chỉnh kế hoạch triển khai thực hiện sau khi chủ trương đầu tư công dự án được thông qua. Đối với đoạn 3 (từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa), các sở ngành liên quan đang tập trung hoàn tất bồi thường hỗ trợ tái định cư, bàn giao mặt bằng để thi công hoàn thành công trình trong năm 2020.
“Nếu hoàn thành đúng kế hoạch các dự án, đặc biệt là hệ thống đường vành đai, tình trạng ùn tắc tại TP chắc chắn sẽ giảm rất nhiều, tạo điều kiện, mở ra cơ hội thực hiện dễ dàng hơn các biện pháp hạn chế giao thông cá nhân, thúc đẩy giao thông công cộng. Giao thông thông suốt sẽ tạo đà cho kinh tế, xã hội toàn TP phát triển”, đại diện Sở GTVT TP.HCM khẳng định.
Bình luận (0)