Khẩn cấp cứu hơn 12.000 ha sầu riêng

17/03/2020 07:23 GMT+7

UBND tỉnh Tiền Giang quyết định chi ngân sách và huy động tối đa các phương tiện để chở nước ngọt về cứu hơn 12.000 ha sầu riêng trên địa bàn đang bị hạn mặn bủa vây.

Để “cứu khát” cho 5 công sầu riêng đang đậu trái, ông Ngô Văn Sơn (ngụ ấp Phú Quới, xã Phú Phong, H.Châu Thành, Tiền Giang) đã phải trả đến 10 triệu đồng mới có được 2 ghe nước ngọt khoảng 200 m3 chở từ tỉnh Đồng Tháp về.

Tiền Giang chi 37 tỉ đồng đưa nước ngọt đến cứu 12.000 ha sầu riêng cho dân

Trong tuần qua, vườn sầu riêng lại bắt đầu khô hạn, ông Sơn chạy khắp các bến bãi ở xã Phú Phong nhưng không tìm được ghe chở nước ngọt về tưới. “Hôm qua, cha con tôi đang định chạy lên Cái Bè để tìm thuê ghe qua Đồng Tháp tự chở nước về xài và cứu vườn sầu riêng của mình, thì đến chiều tối ông trưởng ấp mang cái phiếu đến nhà, kêu hôm nay ra cầu Phú Phong chở nước về tưới sầu riêng mà không cần trả tiền. 5 công sầu riêng của tôi được chở 28 khối nước, chia đều trong 4 đợt. Tôi cảm thấy ấm áp vô cùng”, ông Sơn vừa nói vừa hồ hởi cầm can nước loại 20 lít mới chở về tưới từ từ vào những gốc sầu riêng hơn 10 năm tuổi đang đậu trái to hơn nắm tay người lớn.
Không tự đi chở nước được như cha con ông Sơn, nhưng bà Nguyễn Thị Bích Thủy (ngụ ấp Phú Quới, xã Phú Phong) chỉ phải trả 120.000 đồng tiền công cho chuyến xe bồn chở 2 m3, rẻ hơn rất nhiều so với mức giá lên đến 150.000 đồng/m3 khi bà mua nước từ các xe... vãng lai.
Nhà vườn hối hả đến lấy nước về cứu vườn sầu riêng khô hạn Ảnh: Bắc Bình

Nhà vườn hối hả đến lấy nước về cứu vườn sầu riêng khô hạn

Ảnh: Bắc Bình

“Mọi thứ giờ ổn rồi. Các chủ xe bồn lấy chi phí vận chuyển hợp lý trong khi nước thì được UBND xã cấp miễn phí. Có nước tưới, 2 công sầu riêng được cứu sống khiến tôi có cảm giác như được... tái sinh vậy, bởi mọi chi tiêu trong nhà đều nhờ vào mảnh vườn sầu riêng này. Sầu riêng chết thì đồng nghĩa với kinh tế gia đình tôi cũng kiệt quệ luôn”, bà Thủy xúc động.

Chính quyền, chủ phương tiện chung tay hỗ trợ nông dân

Mấy ngày qua, người trồng sầu riêng ở 2 xã Phú Phong và Kim Sơn (H.Châu Thành) liên tục mang phiếu đến đưa cho ông Nguyễn Quốc Điền và bà Đoàn Thị Ngọc Điệp (Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND xã Phú Phong) để nhận nước về tưới cây. Để tạo sự tiện lợi cho bà con, từ 6 đến 18 giờ trong 2 ngày thứ bảy, chủ nhật (14, 15.3), ông Điền và bà Điệp đã kê bàn làm việc cạnh hồ nước ngọt nhân tạo, trực tiếp nhận phiếu, phát nước.
“Để đảm bảo việc sử dụng nước đúng mục đích và cấp nước đúng đối tượng, UBND xã phối hợp MTTQ và các hội đoàn trong xã giám sát việc sử dụng nước của bà con theo phương châm “hộ nào cũng được sử dụng nước ngọt, và nếu không tự vận chuyển được thì cũng chỉ trả cho các chủ xe bồn mức giá hợp lý”. Nhờ vậy, trong hơn 2 ngày qua, UBND xã đã cấp gần 1.500 m3 nước ngọt cho bà con tưới sầu riêng”, ông Nguyễn Quốc Điền khẳng định.
Cũng theo ông Điền, do hạn mặn quá khốc liệt nên đến nay đã có 5/220 ha sầu riêng trên địa bàn xã Phú Phong bị chết, khoảng 800 hộ dân thiếu nước ngọt để phục vụ việc ăn uống, sinh hoạt trong gia đình.
“Gần 100% hộ dân ở xã Phú Phong hòa mạng trạm bơm nước của Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Tiền Giang đặt trên địa bàn. Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng quá lớn nên các hộ ở xa trạm bị hụt nước, buộc phải mang dụng cụ đến trạm lấy nước chở về và tình trạng “lạm phát” chi phí xe cộ, giá nước đã xảy ra. Thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND xã phối hợp các đơn vị chức năng thuộc UBND huyện cùng các đơn vị CSGT thủy bộ vận động chủ các phương tiện có thể vận chuyển được nước ngọt trên địa bàn và đã nhận được sự đồng tình cao cùng chia sẻ khó khăn với bà con trong đợt thiên tai khốc liệt này. Những người có động thái “đục nước béo cò” như lấy chi phí chở với giá trên 100.000 đồng/m3, nếu bị phát hiện chính quyền địa phương sẽ mời đến làm việc”, ông Điền nói.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, nhiều xã, thị trấn ở các huyện Châu Thành, Cai Lậy, TX.Cai Lậy đều thực hiện quyết liệt như xã Phú Phong và chưa ghi nhận trường hợp nào đáng lên án trong lúc thiên tai hạn mặn khốc liệt này.

Giảm thiệt hại ở mức độ thấp nhất

Kế hoạch ưu tiên giải cứu hơn 12.000 ha sầu riêng trên địa bàn Tiền Giang được ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, quyết định “mở hầu bao” ngân sách; Sở NN-PTNT Tiền Giang là cơ quan thường trực tổ chức thực hiện. Đợt nước ngọt miễn phí đầu tiên được chở về các xã có trồng sầu riêng vào chiều 13.3 và liên tục cấp phát đến nay.
Được cấp nước, ông Ngô Văn Sơn lập tức tưới “giải khát” cho vườn sầu riêng của gia đình Ảnh: Bắc Bình

Được cấp nước, ông Ngô Văn Sơn lập tức tưới “giải khát” cho vườn sầu riêng của gia đình

Ảnh: Bắc Bình

Trả lời PV Thanh Niên, ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Tiền Giang, cho biết kế hoạch được thực hiện với vai trò nòng cốt là chủ tịch UBND cấp huyện. Theo đó, huyện rà soát, vận động, hợp đồng trực tiếp với những tổ chức, cá nhân trên địa bàn mang phương tiện lên khu vực đầu nguồn của tỉnh (giáp Vĩnh Long, Đồng Tháp) để chở nước ngọt về giao lại cho UBND các xã, phường.
Chủ tịch UBND xã, phường chịu trách nhiệm chính trong thống kê, rà soát diện tích sầu riêng trên địa bàn và tổ chức trao nước ngọt cho bà con. Mỗi công sầu riêng dưới 5 năm tuổi sẽ được cấp 4 m3 nước ngọt, chia làm 4 đợt trong một tháng; sầu riêng trên 5 năm tuổi thì được cấp lượng nước gấp đôi. Kinh phí dự toán ban đầu là 37 tỉ đồng, nhưng tùy thuộc chủ yếu vào tình hình thực tế.
Cũng theo ông Pháp, sau Tết Canh Tý 2020, UBND tỉnh đã quyết định đầu tư 16 tỉ đồng đắp khẩn cấp đập thép Nguyễn Tấn Thành (qua kênh Xáng, H.Châu Thành) ngăn dòng mặn từ sông Tiền đổ vào và lấy lưu ngọt từ các kênh phía tỉnh Đồng Tháp chảy qua theo kênh Nguyễn Văn Tiếp, đảm bảo nước tưới cho trên 100.000 ha cây trồng; trong đó có khoảng 64.000 ha đất canh tác Dự án ngọt hóa Bảo Định thuộc địa bàn 2 tỉnh Tiền Giang và Long An, gần 40.000 ha đất vùng Đồng Tháp Mười và vùng kiểm soát lũ - vựa khóm của Tiền Giang. Đặc biệt, vùng chuyên canh thanh long H.Chợ Gạo được đảm bảo an toàn trong mùa hạn, mặn…
Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị “Tìm giải pháp ứng phó với xâm nhập mặn và sạt lở bờ sông, bờ biển tại ĐBSCL” (tổ chức tháng 9.2019 tại Tiền Giang), tỉnh chủ động xây dựng kịch bản ứng phó hiệu quả, phù hợp tình hình địa phương, đưa ra nhiều giải pháp thực thi để đạt hiệu quả cao nhất.
“Ưu tiên hàng đầu của tỉnh là bảo vệ các vùng nông nghiệp chuyên canh quan trọng, giảm thiệt hại ở mức độ thấp nhất và giải quyết vấn đề nước sinh hoạt cho toàn bộ cư dân trên địa bàn tỉnh. Nhưng năm nay, thiên tai, xâm nhập mặn mùa khô diễn ra quá phức tạp, gay gắt nên tỉnh cũng vấp phải một số khó khăn, thiệt hại trong lĩnh vực nông nghiệp hay sản xuất nói chung đã xảy ra với một tỷ lệ nhất định”, ông Hưởng đánh giá.

Còn “vùng trũng” khu vực ngọt hóa Gò Công

Cùng với hiệu quả từ đập thép Nguyễn Tấn Thành, các đập tạm ngang kênh Sáu Ầu - Xoài Hột, kênh Một, kênh Mương Dông, kênh Ông Hổ, kênh Thuộc Nhiêu, kênh Bảo Định và 44 cống ngăn mặn, trữ ngọt vừa hoàn công sau Tết Canh Tý tại các địa phương đã giải hạn thành công cho toàn bộ cư dân và phục vụ sản xuất cho toàn khu vực từ TP.Mỹ Tho đến các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây.
Chỉ riêng khu vực ngọt hóa Gò Công vẫn chưa dẫn được dòng nước ngọt về nhưng thiệt hại lúa, hoa màu không nhiều vì đa số bà con đã canh tác đúng theo lịch thời vụ chống hạn mặn mùa khô năm 2020 của tỉnh.
Hiện hàng chục ngàn cư dân ở vùng ngọt hóa Gò Công vẫn đang đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt khá nghiêm trọng. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.