Có phiếu đi chợ thì không có thịt, rau
Sáng qua (31.7), anh Đào Hải cầm phiếu đi chợ ghi rõ mua sắm vào thứ tư và thứ bảy hằng tuần đã được phát trước đó của P.Tân Định (Q.1, TP.HCM), ra Co.opmart Rạch Miễu thì không được cho vào bên trong, vì siêu thị này phát phiếu riêng hẹn giờ cho khách và đã hết phiếu từ sớm. Anh vào cửa hàng Bách Hóa Xanh trên đường Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận) thì bị từ chối vì khác quận. May mắn khi vào một cửa hàng Co.opFood cùng P.Tân Định, anh được hướng dẫn đứng bên ngoài thông báo những món muốn mua và sau đó nhân viên mang ra rồi trả tiền. “Đi lòng vòng gần hết buổi sáng mà tại Co.opFood cũng không còn thịt hay rau gì, chỉ có đồ hộp. Từ nhà tôi chỉ bước qua cây cầu là đến Q.Phú Nhuận mà nay cũng không mua được thực phẩm bên đó nữa”, anh Đào Hải thở dài.
Liên quan việc phát phiếu cho người dân đi mua hàng thiết yếu, ngày 30.7, UBND TP.HCM đưa mẫu phiếu mua hàng thiết yếu cho các quận huyện tham khảo áp dụng. Tuy nhiên, ngày 31.7, nhiều người dân phản ánh rằng việc phiếu kèm khung giờ rồi khi đến lượt vào không có hàng thì lấy gì mua. Điều cốt lõi là đảm bảo hàng hóa luôn đủ vẫn chưa được giải quyết.
|
Anh M.Hạ (ở P.7, Q.Phú Nhuận) cũng kể lại đoạn trường mua thực phẩm trong ngày đầu sử dụng phiếu đi chợ vào sáng qua. 6 giờ sáng, anh chạy đến Co.opmart Rạch Miễu nhưng thấy hàng người dài dằng dặc, có một chị thông báo mỗi ngày siêu thị phát phiếu cho khoảng 600 khách hàng nhưng nay cũng gần hết. Anh chạy sang cửa hàng Bách Hóa Xanh ở đường Phan Văn Cung và thấy có khoảng hơn 40 người xếp hàng. Sau khi đưa phiếu đi chợ, anh được hẹn khoảng 11 giờ trưa quay lại. Anh tiếp tục sang cửa hàng Vinmart trên đường Phan Xích Long vào lúc gần 7 giờ sáng thì cửa hàng vẫn chưa mở cửa, bảo vệ nói rau củ chưa về nên anh lại chuyển sang Co.opFood và nhận số thứ tự nhưng cũng được thông báo nếu mua thịt thì sau 9 giờ mới có. Đợi đến lượt vào trong thì những thứ hàng anh cần mua cũng hết rất nhanh như rau muống, sả... Thấy trên kệ đang còn cà chua, dưa leo... anh vét vội vì thời gian vào mua sắm cho mỗi người cũng được giới hạn. “Q.Phú Nhuận có nhiều siêu thị, cửa hàng thực phẩm lớn mà người dân vẫn khó khăn để mua hàng. Nhiều người bạn ở các quận khác bình thường chỉ có nhiều chợ truyền thống, ít cửa hàng hiện đại thì lúc này càng rất khó mua được thịt, rau mình cần”, anh M.Hạ nói.
Trước đó ngày 30.7, nhiều người dân tại P.Thảo Điền, TP.Thủ Đức đi chợ đúng ngày theo phiếu đã cấp cũng không thể mua được hàng khi ngay từ đầu giờ chiều, siêu thị MM Mega Market An Phú (TP.Thủ Đức) bất ngờ đóng cửa do khách hàng quá đông. Theo chị Thi nhà ở P.Thảo Điền, chị được chính quyền phát phiếu đi chợ vào các ngày thứ ba và thứ sáu. “Nhà tôi được phát 3 phiếu mua sắm, trong đó có 2 phiếu mua thực phẩm và 1 phiếu mua thuốc. Hiện nhà đã dùng hết một phiếu đi siêu thị mua thực phẩm. Nếu hôm nay không đi siêu thị mua đồ được sẽ không thể mua đồ ăn được nữa vì các ngày khác phiếu này không đi mua được, đồng nghĩa với việc phải chờ đến thứ ba tuần sau”, chị Thi cho hay.
Hàng không thiếu, chỉ thiếu chợ và giờ mua bán
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết thực tế nguồn hàng thiết yếu về TP.HCM không thiếu, nhưng các kênh phân phối như siêu thị, điểm bán hàng không đáp ứng nổi nhu cầu vì quá nhiều chợ bị đóng cửa. Toàn thành phố hiện chỉ còn 27/237 chợ đang hoạt động, chủ yếu ở các vùng ven, ngoại thành, còn trong nội đô đã ngưng toàn bộ. Thế nên, áp lực mua hàng thiết yếu dồn hết lên các hệ thống phân phối hiện đại. Trong khi đó, các chuỗi bán hàng hiện đại cũng có nhiều điểm tạm ngưng vì có ca F0, nhân viên bị thiếu hụt vì phải đi cách ly... Ngoài ra, thời gian hoạt động tại siêu thị nay giới hạn từ 7 - 17 giờ, đẩy việc cung ứng hàng hóa giảm mạnh khiến người dân đã khó càng khó khăn hơn.
Trước thực tế đó, Sở Công thương đã có một số đề xuất giải pháp và được UBND TP chấp thuận, chỉ đạo triển khai. Theo đó, các quận huyện ưu tiên tăng cường các phương án để sớm mở lại các điểm bán lương thực thực phẩm tươi sống thiết yếu tại các chợ đang ngừng hoạt động. Sở cũng đã chỉ đạo trong trường hợp chợ không tổ chức lại được phải bổ sung các điểm bán hàng trong địa bàn quận, tìm những khu vực trống kẻ ô cho người dân, tiểu thương bán, giới hạn 3 - 6 người... Sở Công thương cũng đã tăng số lượng đầu xe bán hàng lưu động lên gấp đôi. Ngày 31.7 đã có 50 xe bán hàng lưu động hoạt động và có khả năng tăng lên 100 xe trong thời gian tới.
Tại văn bản 2468 của UBND TP.HCM ngày 26.7 cũng nêu rõ, UBND các quận huyện, phường xã phải bảo đảm đủ hàng hóa cho dân. Thế nhưng hiện tại, các quận huyện vẫn chưa mở được chợ và tổ chức bán hàng theo hướng dẫn của Sở. “Hiện tại, một số hệ thống phân phối đang áp dụng phương thức vận chuyển hàng hóa bổ sung bằng xe 2 bánh trong bối cảnh đang kiểm soát chặt việc đi lại giữa các quận, huyện nên khó bổ sung nguồn hàng kịp thời. Chúng tôi đề nghị quận, huyện hỗ trợ bằng cách tích cực chủ động sử dụng các phương tiện của mình nhận hàng từ các điểm cung ứng hàng hóa của hệ thống phân phối để đưa về cho các hệ thống này cung cấp cho người dân càng sớm càng tốt. Ngoài ra, việc các siêu thị phát phiếu thêm khi cho người dân đi siêu thị, ngoài phiếu tại địa phương phát thì Sở không chỉ đạo và đó là chính sách nhằm hạn chế, giãn cách mua sắm của các siêu thị”, ông Phương nói.
Bình luận (0)