Khởi nghiệp tốt sẽ thành công và được truyền thông đồng hành

29/04/2019 16:01 GMT+7

Nhiều mô hình khởi nghiệp tốt ở Bến Tre thành công và truyền thông địa phương đồng hành.

Đó là vấn đề được những người khởi nghiệp thành công chia sẻ tại hội thảo “Công thức để khởi nghiệp thành công và xây dựng môi trường sinh thái khởi nghiệp địa phương” và “Tổng kết 3 năm chương trình Đồng Khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp tỉnh Bến Tre”, do Tỉnh ủy Bến Tre tổ chức vừa qua.
Anh Trần Phúc Hậu, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất - thương mại - thủy sản Đại Thành (Bến Tre), người đã cùng dự án của mình vượt qua 300 dự án khởi nghiệp đoạt giải nhì cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia năm 2018, chia sẻ: “Năm 2015 tôi khởi nghiệp với thuốc thủy sản và thất bại đến lâm vào nợ nần. Mài mò nghiên cứu mãi đến cuối năm 2017 tôi hoàn chỉnh được sản phẩm chế phẩm vi sinh bột bã mía phục vụ nuôi tôm thâm canh. Thế nhưng lúc đó không có đồng nào trong túi, tôi phải nhờ đến các cuộc thi khởi nghiệp, sự hỗ trợ của truyền thông, báo chí mới được các nhà đầu tư chú ý và tôi đã thành công với con đường này”.
Trong khi đó, Trịnh Thị Ngọc Hiện, chủ nhân mô hình “Khởi nghiệp du lịch sinh thái với người giữ rừng” tại Bến Tre, khẳng định việc khởi nghiệp ở nơi xa xôi, hẻo lánh trong rừng phòng hộ như chị nếu không nhờ sự quan tâm, chia sẻ của giới truyền thông, báo chí sẽ rất khó được chú ý. “Tôi tin rằng nếu mình khởi nghiệp bằng tình yêu, sự nỗ lực bảo vệ thiên nhiên, đồng hành với những người khó khăn thì dù mô hình có ở nơi xa xôi hẻo lánh như rừng phòng hộ ven biển vẫn được các nhà báo tử tế đến tận nơi để đồng hành và không hề vụ lợi. Sự hỗ trợ đó trong quá trình khởi nghiệp có ý nghĩa lắm”, chị Hiện chia sẻ.
Tại hội thảo, ông Phan Văn Mãi, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng tư vấn khởi nghiệp tỉnh Bến Tre, cho biết sau 3 năm phát động chương trình “Đồng Khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp thoát nghèo”, toàn tỉnh có 2.890 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc thành lập mới. Trong đó, có 1.602/2.500 doanh nghiệp được chuyển đổi loại hình từ hộ kinh doanh, doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp.
Đáng chú ý, với sự lan tỏa của chương trình, nhiều doanh nghiệp đang tăng vốn đầu tư, sản xuất. “Quan trọng nhất là tỉnh Bến Tre đã tạo được hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh với đầy đủ các nhóm thành phần hỗ trợ nhau và vận hành khá trơn tru giữa cơ quan hỗ trợ trong và ngoài tỉnh; môi trường PAPY, PCI; chính sách nhà nước; cộng đồng khởi nghiệp tiên phong; các quỹ đầu tư về vốn, viện trường… Tôi tin rằng tương lại tỉnh Bến Tre sẽ đạt nhiều hiệu quả hơn nữa vì đã có nền tảng khá vững”, ông Mãi phấn khởi.
Sau 3 năm phát động, chương trình “Đồng Khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp thoát nghèo” đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ 980 ý tưởng, dự án khởi nghiệp và đã trực tiếp hỗ trợ cho 369 ý tưởng, dự án tiến triển tốt. Hỗ trợ vốn 1.554 dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp với tổng kinh phí khoảng 1.761 tỉ đồng. Chương trình đã góp phần tích cực tạo việc làm, hỗ trợ mô hình và vốn giúp 8.408 hộ thoát nghèo, trong đó có 5.854 hộ thoát nghèo bền vững.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.