Ngược lại, sự đơn điệu, nhàm chán của điểm đến có thể khiến ngành công nghiệp không khói của bất cứ địa danh nổi tiếng nào trở nên tụt hậu.
Nghèo sản phẩm
Đứng thứ 34 về tài nguyên thiên nhiên du lịch trong 136 nền du lịch trên thế giới được xếp hạng cạnh tranh (theo Báo cáo Chỉ số cạnh tranh du lịch năm 2017 của Diễn đàn kinh tế thế giới - WEF) nhưng ở hạng mục “Hạ tầng dịch vụ du lịch”, VN tụt xuống tận vị trí 113. Điều đó cho thấy VN có lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa nhưng sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, đơn điệu, chưa đủ sức hấp dẫn. Thực tế, số địa điểm vui chơi giải trí, các công viên chủ đề, chủ điểm tầm cỡ lớn tại VN gần như chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngay cả các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM..., các dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí đều diễn ra ban ngày, gần như chưa có một khu vui chơi tầm cỡ nào đủ sức níu chân khách.
|
Trong khi đó, sản phẩm, điểm đến có thể nói là yếu tố then chốt quyết định sự phát triển du lịch của một địa phương. Điều này được minh chứng rõ nét qua sự chuyển mình trỗi dậy của du lịch Đà Nẵng.
|
Cách đây khoảng 10 năm, Đà Nẵng gần như không có gì ngoài biển. Du khách chỉ coi Đà Nẵng như một điểm trung chuyển để tới Hội An, Huế. Theo thống kê từ Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Đà Nẵng, năm 2008, tổng lượng du khách đến với “thành phố đáng sống” này chỉ đạt 1,26 triệu lượt, chưa bằng 1/3 lượng khách đến TP.HCM.
Nhưng chỉ 2 năm sau khi khai trương Sun World Ba Na Hills với công trình cáp treo đạt 4 kỷ lục Guinness, riêng tổ hợp vui chơi giải trí này đã đón 2 triệu lượt du khách, mang đến diện mạo hoàn toàn mới cho nền du lịch của TP sông Hàn.
Giai đoạn 2008 - 2012, hàng loạt dự án du lịch lớn đã đẩy tốc độ tăng trưởng khách du lịch đến TP này lên mức bình quân 21,78%/năm, đạt hơn 2,65 triệu lượt khách năm 2012, tương đương với TP.HCM, chính thức ghi tên vào danh sách các TP du lịch hàng đầu VN, liên tục góp mặt trong bảng xếp hạng các điểm đến hàng đầu châu Á do các tạp chí du lịch nổi tiếng thế giới bình chọn.
Thế nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng du lịch của Đà Nẵng đang có xu hướng chững lại. Tốc độ tăng trưởng du khách trung bình trong 5 năm từ 2013 - 2017 đã giảm xuống còn hơn 19%/năm. Chỉ đến khi cầu Vàng Bà Nà Hills xuất hiện khuấy đảo truyền thông quốc tế, du lịch Đà Nẵng mới tiếp tục bùng nổ; nhưng đằng sau hào quang của cầu Vàng là bài toán mà Đà Nẵng phải tính đến nếu không muốn tiếp tục tụt hạng.
Phải khiến hầu bao du khách bận rộn
Cũng chỉ sở hữu tài nguyên biển như Đà Nẵng nhưng chỉ 12 km bờ biển Sète thuộc vùng Languedoc (miền nam nước Pháp) mỗi năm có thể kéo hàng trăm ngàn xe hơi từ các quốc gia phía bắc nước Pháp vượt cầu Millau để đến TP cảng Sète nghỉ hè cả tháng. Ngoài tắm biển, phơi nắng, lướt ván, du thuyền trên biển Địa Trung Hải, chuỗi các khu vui chơi giải trí trải dài dọc biển, lễ hội ngoài trời vào ban đêm, lễ hội âm nhạc Flamingo, lễ hội rượu vang, lễ hội đấu bò tót... được tổ chức liên tục suốt mùa hè khiến khách đến vùng này du lịch nghỉ ngơi hết mùa hè cũng không chán.
tin liên quan
‘Nới lỏng’ thời hạn visa, TP.HCM hướng đến đón 8,5 triệu du khách quốc tếThực tế, mỗi lần đến Sète, chúng tôi đều có cảm nhận khác nhau về vẻ đẹp của Sète. Các hoạt động, điểm vui chơi luôn có sự thay đổi, mới mẻ, gây bất ngờ. Chính việc đầu tư làm mới những điểm đến hấp dẫn, khách đến các vùng du lịch “đinh” của Pháp năm sau luôn tăng hơn năm trước. Trong khi mức tăng du lịch trung bình của thế giới 5 - 7% thì vùng Languedoc này tăng 9 - 10%, theo quản lý du lịch tại địa phương cho biết.
Tương tự, với 4 công viên nổi tiếng thế giới Walt Disney World, Universal Studios, Sea World, Gatorland, mỗi năm thành phố Orlando (bang Florida, Mỹ) với dân số hơn 2 triệu dân, đã thu hút 51 triệu lượt khách, vượt xa thành phố New York với doanh thu hàng tỉ USD. Trên thế giới, sau Pháp, Mỹ là quốc gia đứng thứ 2 thu hút khách du lịch với 75,6 triệu lượt khách năm 2017 và du lịch là 1 trong 3 ngành tạo công ăn việc làm nhiều nhất cho người dân.
Nhìn vào cách làm du lịch của các điểm đến nổi tiếng trên mới thấy hết sự lãng phí và đơn điệu của du lịch VN. Không được đầu tư xứng tầm khiến chi tiêu ít của du khách trở thành “căn bệnh trầm kha” của du lịch VN.
Đơn cử, 9 tháng đầu năm 2017, TP.HCM - trung tâm du lịch lớn nhất cả nước, ghi nhận tăng 16,6% lượt khách du lịch quốc tế nhưng chỉ tăng 10% doanh thu. Cần Giờ, nơi được kỳ vọng là điểm nhấn thu hút du lịch của TP, trong 7 tháng đầu năm có gần 840.000 lượt khách tới tham quan, tăng 44% so với cùng kỳ, chiếm 25% trong tổng lượng khách đến TP.HCM; nhưng doanh thu chỉ chiếm... 0,54%. Trong khi đó, các khu tổ hợp vui chơi giải trí, tổng thu du lịch của TP.HCM trong quãng thời gian này ước đạt hơn 22.571 tỉ đồng, tăng 50,4%.
Làm thế nào để hầu bao của du khách không nghỉ ngơi?
Bình luận (0)