Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật lao động (LĐLĐ TP.HCM), cho biết theo quy định tại điều 26 của luật CĐ năm 2012 và Nghị định 191/2013 của Chính phủ thì: “Đối tượng đóng kinh phí CĐ là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (DN) mà không phân biệt cơ quan, tổ chức, DN đó đã có hay chưa có tổ chức CĐ cơ sở”. Theo ông Triều, trước đây chỉ những DN có tổ chức CĐ thì mới đóng kinh phí. Nhưng từ khi luật CĐ năm 2012 có hiệu lực thì các DN không có tổ chức CĐ cũng phải nộp kinh phí CĐ. Số tiền này sẽ trích 33% để nộp cho CĐ cấp trên đưa vào kinh phí hoạt động cho tổ chức CĐ và trích chi phí chăm lo cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn, 67% còn lại sẽ do LĐLĐ quận, huyện tạm giữ. “Khi nào DN thành lập tổ chức CĐ cơ sở thì số tiền này sẽ được giao lại cho CĐ cơ sở của DN quản lý”, ông Triều nói.
Việc truy thu phí CĐ từ năm 2014 khiến không ít DN nhỏ bất ngờ. Anh N.Đ.T, Giám đốc Công ty cổ phần V.P (Q.5, TP.HCM), cho biết công ty của anh thành lập năm 2014, chỉ hoạt động về dịch vụ, số lao động luôn ở mức dưới 5 người nên chưa đủ điều kiện thành lập tổ chức CĐ. Đầu tháng 5.2017, công ty nhận được thông báo của LĐLĐ Q.5 buộc phải trích nộp phí CĐ bằng 2% mức lương tham gia bảo hiểm xã hội và truy thu từ năm 2014, tổng cộng hơn 5 triệu đồng. Thông báo cũng nêu rõ nếu không đóng sẽ phạt từ 12 - 15% số tiền phải đóng. Anh N.Đ.T cho biết quá trình hoạt động của công ty, lao động luôn thay đổi, nhiều lao động chỉ vô làm một thời gian ngắn rồi nghỉ. “Nếu vẫn trích đóng phí CĐ thì quyền lợi của những lao động đã nghỉ việc sẽ bị thiệt thòi”, anh T. nói.
Theo luật sư Nguyễn Thanh Thanh (Đoàn luật sư TP.HCM), thực tế TP.HCM có hàng ngàn DN nhỏ không bao giờ thành lập tổ chức CĐ. “Vậy phí CĐ trích nộp cho LĐLĐ quận, huyện tạm giữ, đến bao giờ DN mới có thể lấy lại?”, luật sư Thanh đặt câu hỏi và cho biết trong quá trình tư vấn của mình, luật sư đã gặp nhiều DN nhỏ chỉ có 4 - 5 lao động vì sợ bị phạt mà đóng “đại” chứ chẳng biết bao giờ nhận lại số tiền này.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Khải, Phó chủ tịch thường trực LĐLĐ TP.HCM, cho biết hiện LĐLĐ TP.HCM đang triển khai cho các LĐLĐ quận, huyện thu và truy thu tiền kinh phí CĐ. Ông Khải giải thích luật Công đoàn có hiệu lực từ năm 2013 và Nghị định 191/2013 của Chính phủ có hiệu lực từ tháng 1.2014 nên nghĩa vụ nộp phí CĐ của DN phải được thực hiện từ thời điểm này và việc truy thu là phù hợp với quy định.
Về việc giao cho LĐLĐ quận, huyện tạm giữ quản lý số tiền 67% phí CĐ, ông Nguyễn Văn Khải cho biết khi DN có các hoạt động chăm lo, thăm hỏi, trợ cấp khó khăn đột xuất cho người lao động, có thể đề nghị lên LĐLĐ quận, huyện để được chi ngược lại cho DN. Mặt khác, hằng năm Kiểm toán Nhà nước đều có kiểm tra tài chính nên các DN yên tâm việc quản lý sử dụng số tiền sẽ bảo đảm được minh bạch. “Đây là quy định, không thể khác được, nếu DN muốn quản lý số tiền này thì buộc phải thành lập CĐ cơ sở. Tuy nhiên, quá trình thu phí các LĐLĐ quận, huyện sẽ cân nhắc, rà soát, trước mắt chỉ thu phí ở những DN có đủ điều kiện, còn những DN nhỏ với số lao động quá ít thì chưa thu ngay và sẽ xem xét sau”, ông Khải khẳng định.
Bình luận (0)