Trên thực tế, cấm xe máy sẽ cần lộ trình tương đối dài và thời gian chuẩn bị vận tải công cộng, ít nhất là 5 - 10 năm. Tuy nhiên, trước mắt hoàn toàn có thể áp dụng các biện pháp để loại các xe máy cũ nát, gây ô nhiễm như kiểm định khí thải xe máy.
Là người đã đấu tranh rất nhiều cho chủ trương hạn chế, tiến tới cấm xe gắn máy, TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, Đại học Bách khoa TP.HCM, cho rằng đây là thời điểm thích hợp để triển khai các chính sách nhằm kiểm soát, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực mà xe máy gây ra đối với môi trường và giao thông. Bởi vừa qua, Thủ tướng đã đồng ý cho TP.HCM và Hà Nội xây dựng đề án hạn chế xe cá nhân, trong đó có xe máy và việc kiểm soát khí thải là một trong những giải pháp chắc chắn phải có.
Cũng theo ông Mai, giải pháp căn cơ để “cứu” giao thông và môi trường tại TP.HCM cũng như Hà Nội hiện nay là hạn chế xe cá nhân, tăng vận tải hành khách công cộng. Khi đề xuất cấm xe máy, người dân yêu cầu phải có vận tải công cộng mới tính đến hạn chế xe cá nhân. Thế nhưng, mỗi khi có đề xuất ưu tiên cho xe buýt, người dân lại đồng loạt phản đối.
“Lượng khí thải của xe máy còn chiếm tới 80 - 90% tổng lượng khí thải, ô tô chỉ thải ra 10 - 20%. Vậy không có lý do gì ô tô phải kiểm định còn xe máy thì không. Loại bỏ ô nhiễm môi trường cũng chính là bảo vệ sức khỏe người dân. Không thể vì mãi sợ đụng chạm mà dập tắt hết tất cả các chính sách liên quan đến xe máy. Còn về phía người dân, đây là bài toán dài hơi, có cái làm trước, cái làm sau và người dân nên đồng lòng hỗ trợ cùng TP thực hiện những quyết sách này”, ông Mai nói.
Đồng tình, LS Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên T.Ư MTTQ VN, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, nhận định sử dụng xe cá nhân là quyền của mỗi người dân. Nhà nước không có quyền cấm nhưng sử dụng xe cá nhân mà gây tác động xấu cho môi trường như kẹt xe, ô nhiễm thì bắt buộc phải hạn chế.
Là người trực tiếp soạn thảo đề án hạn chế xe cá nhân trình HĐND TP.Hà Nội (Nghị quyết 04) trước đây, TS Lê Đỗ Mười, chuyên gia giao thông, cho rằng nhiều TP trên thế giới như các TP ở Trung Quốc cấm xe máy bằng mệnh lệnh hành chính. Trước thực tế vận tải công cộng sẽ cần nhiều thời gian để tốt lên, trong khi ách tắc, ô nhiễm thì ngày càng trầm trọng, theo ông Mười, về lý thuyết khi phương tiện công cộng đáp ứng đủ nhu cầu mới thực hiện hạn chế xe máy, nhưng có thể dùng biện pháp hành chính cấm khi vận tải công cộng đáp ứng cơ bản nhu cầu.
Bình luận (0)