Không thể 'đẩy' công nhân ra đường

29/03/2020 06:54 GMT+7

Trong khi cho công nhân, nhân viên nghỉ làm tránh dịch, nhưng các chủ doanh nghiệp (DN) cũng phải tính toán để giữ chân nhân viên quay trở lại làm việc sau dịch.

 Đó là bài toán khó mà không ít chủ DN cho biết phải “nghĩ nát óc” để cân đối. Bà Thái Trang, chủ DN tư nhân may mặc thời trang D.T (Q.8, TP.HCM) cho biết, cơ sở có gần 100 công nhân, bắt buộc phải cho nghỉ bớt 20% công nhân thời vụ, nhưng vẫn phải trả lương cơ bản và đóng đầy đủ hai loại bảo hiểm.
Ngoài ra, trong tuần này, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ “ai ở đâu ở yên đó”, DN chính thức cho công nhân nghỉ làm hai tuần, nhưng tiền phụ cấp cho công nhân thuê nhà, tiền ăn không thể không có.
“Cái khó là công nhân đã gắn bó với DN lâu rồi, nghỉ làm, một số em nhận may bán khẩu trang, một số tranh thủ dọn nhà theo giờ nhưng không nhiều. Chúng tôi không thể bỏ mặc họ bươn chải vì công nhân phải sống, không thể về quê lúc này và vẫn trả tiền thuê nhà trong tâm thế chờ quay trở lại công việc. Chúng tôi động viên công nhân, cố gắng hết sức để bảo vệ họ, phụ cấp và đặc biệt đóng đủ tiền bảo hiểm y tế để nhân viên nếu có khám chữa bệnh cũng không bị áp lực chi phí tại bệnh viện”, bà Trang nói.
Bà Cecile Phạm, Tổng giám đốc Tập đoàn may mặc Dacotex, cho biết chưa cho bất cứ ai trong số 700 công nhân của tập đoàn nghỉ không ăn lương, thời gian nghỉ làm vì bắt buộc tránh lan tràn dịch, tập đoàn vẫn phụ cấp lương bình thường.
“Điều quan trọng nhất là chúng tôi mong muốn được vay tiền không lãi từ ngân hàng để trả lương cho nhân viên như ý kiến của Thủ tướng mới nói tuần qua”, bà nói. Còn cô Nguyễn Phương, Hiệu trưởng một trường mầm non tư thục ở Q.11 (TP.HCM) cho biết đa số các cô giáo đều nghỉ về quê luôn từ sau tết.
Tuy nhiên, trong trường có 2 cô đang mang thai, cô Phương vẫn tiếp tục đóng bảo hiểm y tế để các cô sinh nở cũng đỡ phần nào.

Công bố các bệnh nhân từ 174 đến 179 mắc bệnh Covid-19

Ông Trịnh Nguyễn Hùng Dũng, Tổng giám đốc Công ty du lịch Thiên Niên Kỷ cho biết cũng như các DN du lịch khác, công ty ông đang phải đối mặt với bài toán khó khi doanh thu không có mà vẫn phải đảm bảo đầy đủ chi phí duy trì bộ máy nhân sự.
Theo ông Dũng, hầu hết các DN lữ hành hiện nay sử dụng khoảng 40 - 50% hướng dẫn viên tự do, không có hợp đồng lao động chính thức. Đối tượng này phải chấp nhận nghỉ việc không có chế độ hỗ trợ.
Đối với 50 - 60% hướng dẫn viên chính thức còn lại cùng các cán bộ, công nhân viên phòng ban khác, công ty duy trì mức lương từ 30 - 40% tùy từng bộ phận trong 3 tháng, sau đó sẽ tiếp tục điều chỉnh tùy tình hình thực tế.
“Theo hướng tích cực, dự kiến Việt Nam có thể kiểm soát dịch bệnh trong 45 ngày tới, sau đó dần hồi phục thị trường trong 3 tháng tiếp theo. Thị trường quốc tế thì sẽ mất thời gian lâu hơn. Trong giai đoạn này, chúng tôi sẽ trích quỹ dự phòng để giữ mức thu nhập cố định hỗ trợ đời sống anh em. Cũng có một số ít xin nghỉ, còn lại hơn 90% nhân viên Thiên Niên Kỷ đồng lòng cùng công ty vượt qua khó khăn vì thực tế giờ có bỏ việc cũng không còn chỗ nào để chạy”, ông Dũng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.