Kiểm tra hàng xuất nhập khẩu: Chỉ còn một đầu mối hải quan?

20/02/2020 07:22 GMT+7

Chiều 19.2, Văn phòng Chính phủ đã làm việc với các bộ, ngành để cho ý kiến về dự thảo quyết định của Thủ tướng về đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Mục tiêu là giảm thủ tục, rủi ro cho DN

Điểm đáng chú ý nhất của dự thảo mà Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) xây dựng là sẽ chuyển chức năng kiểm tra chuyên ngành (KTCN) tiến tới thu về một đầu mối là ngành hải quan (trừ những mặt hàng như kiểm dịch động thực vật hoặc liên quan quốc phòng an ninh thì vẫn do bộ chuyên ngành thực hiện). Tuy nhiên, đề án này đã nhận được các ý kiến trái chiều từ các bộ, ngành lẫn chuyên gia, đại diện doanh nghiệp (DN).
TS Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư, nhấn mạnh mục tiêu đề án là giảm rủi ro cho DN chứ không phải chỉ là phân quyền cho cơ quan này cơ quan kia. “Ở vai DN thì tôi muốn biết tôi sẽ làm việc với ai, nhận lệnh từ đâu, từ cơ quan KTCN của bộ hay từ hải quan để khỏi phải chạy đi chạy lại. Tuy nhiên, dự thảo nghị quyết chưa phân rõ vai của hải quan tới đây là gì, vai trò các bộ là gì”, ông Hiếu nói và đề xuất nên làm thí điểm với một số bộ trước.
Tương tự, bà Kim Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN-PTNT), băn khoăn rằng việc “đưa tất tật” về hải quan liệu có khó khăn cho hải quan khi mà số lượng các mặt hàng phải KTCN quá lớn, riêng với ngành nông nghiệp đã tới gần 7.000 dòng hàng. Chưa kể, hiện Bộ NN-PTNT đã xã hội hóa cho các đơn vị kiểm định chất lượng, vậy làm sao thừa kế các cơ sở này thay vì hải quan phải đi đầu tư thiết bị. “Nếu cải cách này mà làm được thì tốt, nhưng đây là vấn đề lớn, cần thận trọng. Nên chăng chọn một số mặt hàng, một số bộ ngành thí điểm trước thay vì làm đồng loạt vì chưa lường hết được khó khăn”, bà Kim Anh nói.
Đại diện Bộ Y tế thì cho rằng cần đánh giá thêm về hiện trạng của các đơn vị KTCN ở các bộ. Vì khi KTCN chuyển sang hải quan thì hiện năng lực họ thế nào, đang hoạt động sao. Chưa kể hiện nhiều đơn vị KTCN của các bộ không chỉ vừa phục vụ KTCN mà còn phục vụ thanh tra, kiểm tra của bộ ngành đó. Hiện Bộ Y tế đã kết nối cổng dịch vụ một cửa quốc gia, kết nối với hải quan nên các DN khai điện tử với hải quan, sau đó hải quan chỉ định mặt hàng nào phải kiểm tra thì DN được chọn đơn vị kiểm định và gửi thẳng kết quả đó cho hải quan nên thời gian đã giảm rất nhiều và không gây khó cho DN.

“90% doanh nghiệp ủng hộ”

Tuy nhiên, theo bà Phạm Ngọc Thủy, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, khảo sát cho thấy có tới 90% DN ủng hộ Chính phủ thu về một đầu mối tại cửa khẩu chứ không phải một chuỗi lưu thông hàng hóa nội địa nên không đảo lộn vai trò của các bộ. Một vấn đề nhức nhối hiện nay là không có một phương thức nào để đánh giá chất lượng giữa các tổ chức kiểm định với nhau. Điều này dẫn đến có không ít đơn vị chỉ “chạy” để có giấy phép nên DN cũng tận dụng các tổ chức này để nhanh có giấy phép chứng nhận KTCN. Hệ quả là, có DN có sản phẩm mới mà mất đến 1 năm gửi từ phòng nọ sang phòng kia nhưng không nơi nào kiểm tra được. Đến khi tìm ra 1 phòng test được thì lại bị cơ quan KTCN thông báo do phòng kiểm định này không nằm trong danh mục các cơ sở được chỉ định nên không công nhận kết quả.
Kể lại trường hợp này, bà Thủy kiến nghị, khi quy KTCN về một đầu mối thì mong có cơ quan duy nhất này sàng lọc, nắm thông tin các đơn vị có thể tổ chức kiểm định, công bố công khai các đơn vị đạt chuẩn để DN chọn được tổ chức kiểm định có chất lượng.
Ủng hộ đề án, song ông Trần Mạnh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT-TT), cho rằng hải quan cần chia sẻ dữ liệu về hàng hóa nhập khẩu, cả hàng phải KTCN lẫn không quan kiểm tra để các bộ nắm được và kiểm tra hậu kiểm trong quản lý nhà nước về sau, để nếu phát hiện vấn đề thì sẽ cảnh báo ngược lại cho hải quan vì có những cái không kiểm tra cũng không hề tốt.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nhắc lại tinh thần “tiếp tục cải cách mạnh mẽ KTCN mà Thủ tướng yêu cầu” và khẳng định Chính phủ sẽ không thí điểm mà muốn áp dụng ngay với các mặt hàng ở những quy định thuộc thẩm quyền Chính phủ.
“Đề án chỉ nói vấn đề cải cách KTCN, thông quan hàng hóa ở các cửa khẩu. Không bỏ qua chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành của các bộ khi hàng vào nội địa. Việc hậu kiểm vẫn cần các cơ quan KTCN của các bộ”, ông Dũng nhấn mạnh và yêu cầu Bộ Tài chính có các tổ làm việc với các bộ, ngành, hoàn thiện báo cáo để trình Văn phòng Chính phủ trước ngày 19.3.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.