Kiến nghị khai thác kinh tế đêm tại chợ nổi lớn nhất miền Tây

16/10/2020 08:00 GMT+7

Đó là ý kiến tại hội thảo “Làm gì để bảo tồn chợ nổi Cái Răng ”, diễn ra chiều 15.10.

Chợ nổi Cái Răng là 1 trong 6 chợ nổi còn lại của ĐBSCL gồm: Cái Răng (Cần Thơ), Ngã Bảy (Hậu Giang), Ngã Năm (Sóc Trăng), Cái Bè (Tiền Giang), Long Xuyên (An Giang), Trà Ôn (Vĩnh Long); trong đó chợ nổi Cái Răng được xem là quy mô lớn nhất.
Mỗi ngày, chợ nổi Cái Răng có khoảng 250 - 300 ghe tàu mua bán sỉ hàng nông sản trên chợ nổi, trên 30 ghe nhỏ mua bán trái cây, ẩm thực địa phương. Hằng ngày, vào giờ cao điểm còn có trên 200 lượt tàu du lịch đưa đón khách du lịch tham quan.
Tuy nhiên hiện nay, sự phát triển nhanh và tiện lợi của giao thông đường bộ, việc giải phóng mặt bằng, xây dựng bờ kè ít nhiều ảnh hưởng đến quy mô chợ nổi. Có ý kiến dự báo rằng với đà phát triển hiện nay, trong 10 - 20 năm sau, có thể sự thu hẹp và suy giảm của chợ nổi Cái Răng diễn ra càng nhanh chóng. Công trình bờ kè cũng sẽ cắt rời sự liền kề chợ và phố trên bờ. Do đó, rất cần có tầm nhìn sáng tạo thiết lập một mô hình chợ nổi tự nhiên, kết hợp với chợ nổi tự tạo.
Đã có nhiều giải pháp bảo tồn, phát triển chợ nổi được đề xuất. Nhà nghiên cứu văn hóa Nam bộ Nhâm Hùng đề xuất: “Trong bảo tồn văn hóa chợ nổi, cần nghiên cứu, có cách tái hiện tiếng rao hàng, lối hò đối đáp trên sông, đờn ca tài tử trên ghe thương hồ. Việc tái hiện phải đúng với chất gốc chợ xưa, hòa trong bối cảnh chợ nổi ngày nay. Mạnh dạn thử nghiệm mô hình du lịch đường sông Cần Thơ, gắn với chợ nổi Cái Răng về đêm, như một cách làm kinh tế đêm trên sông nước”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.