Kinh tế tăng trưởng cao, chất lượng cải thiện

03/10/2019 06:38 GMT+7

GDP 9 tháng năm 2019 tăng 6,98% - là mức cao nhất trong 9 năm qua, chất lượng tăng trưởng được cải thiện.

Đó là thông tin được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nhấn mạnh tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 2.10.

Thu ngân sách đã vượt 1 triệu tỉ đồng

Điểm qua những nét chính của cuộc họp Chính phủ tháng 9 diễn ra cùng ngày, ông Dũng cho hay, Thủ tướng đã thông báo những tin mừng về thành tựu đạt được về kinh tế - xã hội (KT-XH). Theo đó, kết quả ấn tượng là GDP 9 tháng tăng 6,98% - cao nhất trong 9 năm qua. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp, bình quân 9 tháng tăng 2,5% - thấp nhất trong 3 năm qua. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10,3%. Vốn FDI thực hiện cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, ước đạt 14,2 tỉ USD. Thu ngân sách nhà nước tăng cao (10,1%), đến 15.9 đã đạt 1 triệu tỉ đồng và khả năng thu vượt dự toán 5% so với Quốc hội giao là khả thi.
Xuất khẩu đạt trên 190 tỉ USD, tăng 8,2%, trong đó khu vực kinh tế trong nước xuất khẩu tăng 16,4%. Xuất siêu ở mức kỷ lục, gần 6 tỉ USD. Ngành chế biến, chế tạo tăng 11,37%, tiếp tục là động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế trong quý 3. Nông nghiệp vẫn đạt mức tăng trên 2%, trong đó xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ có thể đạt trên 11 tỉ USD. Tổng cầu tiêu dùng tiếp tục tăng mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,6%. Khách quốc tế đạt 12,9 triệu lượt người, tăng 10,8%. Số lượng doanh nghiệp (DN) thành lập mới đạt kỷ lục với 102.000 DN (tăng 5,9% về số DN và tăng 34% về số vốn đăng ký).
Đáng chú ý, các tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao VN tiếp tục là điểm sáng của kinh tế khu vực và toàn cầu. Ngân hàng ADB dự báo tăng trưởng GDP của VN ở mức 6,8% năm 2019. Standard Chartered đánh giá VN có tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt 6,9%. Citigroup Inc. đã điều chỉnh dự báo cả năm cho kinh tế VN từ mức 6,7% lên 6,9%... Không chỉ kinh tế, lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại tiếp tục có nhiều chuyển biến và đạt kết quả rất quan trọng. Đặc biệt, dự kiến năm 2019 sẽ hoàn thành toàn diện, vượt mức các mục tiêu kế hoạch đề ra, là năm thứ 2 liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu. “Điều đáng nói là Chính phủ nhận định không chỉ tăng trưởng về số lượng mà chất lượng được cải thiện rõ nét. Tăng trưởng vượt mục tiêu đề ra trong khi vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc hơn, đặc biệt lạm phát được kiểm soát tốt và các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện. Đời sống nhân dân chuyển biến rõ”, ông Dũng nói.

“Chưa đón được doanh nghiệp lớn dịch chuyển”

Tuy nhiên, theo ông Dũng, Thủ tướng cho rằng bên cạnh kết quả tích cực, còn nhiều điểm yếu, khó khăn, thách thức. Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, mới đạt 45,17% kế hoạch được Quốc hội thông qua, cùng kỳ đạt trên 50%, trong đó giải ngân vốn nước ngoài chỉ đạt 18,8%. Sản xuất, kinh doanh một số lĩnh vực gặp khó khăn, nhất là DN nhỏ và vừa. Vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm giảm. “Như vậy, chuyển dịch đầu tư sang VN do tác động của xung đột thương mại không như kỳ vọng. Chúng tôi đã tập trung nêu vấn đề này với Bộ Công thương, Bộ KH-ĐT, Bộ TT-TT và nhiều bộ khác nhưng chúng ta đón bắt cái này còn hạn chế. Nhận thức vấn đề này còn chậm nên nhiều tập đoàn lớn chưa vào lúc này như chúng ta dự đoán”, Thủ tướng nhìn nhận.
Một tồn tại nữa là một số dự án công nghiệp, giao thông trọng điểm tiếp tục chậm tiến độ, chưa xác định thời gian hoàn thành dù Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo nhiều lần. Bên cạnh đó, trong tháng 9 và quý 3 còn phát sinh nhiều vấn đề về văn hóa, xã hội như dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và sởi, về an ninh trật tự như tội phạm yếu tố nước ngoài tổ chức sản xuất ma túy, đánh bạc qua mạng, lừa đảo qua mạng, giết người, cho vay nặng lãi... gây bức xúc xã hội, xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Ông Dũng cũng cho hay, câu chuyện môi trường ở 2 đô thị lớn là Hà Nội, TP.HCM khiến người dân kêu ca cũng là nội dung được Thủ tướng lưu ý tại cuộc họp và yêu cầu 2 TP lớn sớm báo cáo việc xử lý vấn đề ô nhiễm không khí, không để người dân kêu ca mà không đề ra giải pháp hữu hiệu.
Về nhiệm vụ các tháng còn lại, ông Dũng cho hay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. “Thủ tướng nói phải tạo dựng thêm dư địa cho điều hành kinh tế vĩ mô, vận dụng các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt; tăng tính chủ động và khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động khó lường từ bên ngoài; tiếp tục đơn giản hóa, cắt giảm thực chất thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, coi đây là một khâu đột phá thúc đẩy tăng trưởng”, ông Dũng nói.

Chưa thể cung cấp danh tính 9 người Việt bỏ trốn ở Hàn Quốc

Tại buổi họp báo, nhiều vấn đề nóng đã được báo chí đặt ra với người phát ngôn Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành. Trả lời về lo ngại chất lượng không khí tại Hà Nội và TP.HCM, Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Công Thành thừa nhận ô nhiễm không khí, nhất là bụi PM 2.5 đang ở mức cao, song các thông tin từ các trang mạng, nhất là trang mạng quốc tế chỉ mang tính tham khảo.
Muốn có số liệu chính thức thì người dân có thể vào các trang của Tổng cục Môi trường và TP.Hà Nội. Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, cho biết thêm đây là giai đoạn chuyển mùa, nên có hiện tượng ô nhiễm không khí.
Hơn nữa, những ngày gần đây là cao điểm không có gió, không có mưa nên sẽ khuếch tán bụi lớn hơn thông thường. Ông Hùng cũng nhấn mạnh, Hà Nội có 11 trạm quan trắc và việc công bố chất lượng không khí là hằng ngày, qua website của TP và trang web của Sở TN-MT.
Trong khi đó, với câu chuyện 9 người Việt bỏ trốn ở Hàn Quốc, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Đức Trung cho hay, do các cơ quan chức năng hai nước đang điều tra nên bộ này “chưa có thẩm quyền cung cấp các thông tin danh tính, khi được cho phép sẽ cung cấp”.
Ông Trung nói thêm rằng, mặc dù theo quy trình, cơ quan này đã phối hợp với các đơn vị liên quan, trong đó có cơ quan an ninh thẩm tra nhân thân của các DN tham gia đoàn nhưng do “DN trốn thực sự là không thể lường trước được, đó là động cơ của họ nên không nắm trước”.
"Chúng tôi nhận trách nhiệm. Chúng tôi đã tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm và rà soát lại toàn bộ quy trình để siết chặt việc tổ chức đoàn đảm bảo chặt chẽ. Trường hợp phát hiện ra những sai phạm của cán bộ có liên quan đến việc lựa chọn các DN thì sẽ xử lý theo quy định”, ông Trung nói. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.