Quy hoạch điện gió 'chật chội', đại gia Việt liệu có chen chân được?

13/09/2021 14:34 GMT+7

Trong khi các đại gia Việt liên tục công bố kế hoạch đầu tư vào điện gió từ chục nghìn tỉ đồng đến chục tỉ USD thì dự thảo quy hoạch điện mới nhất lại giảm sâu công suất đặt các nguồn điện gió .

Theo kịch bản cơ sở lẫn kịch bản cao tại dự thảo tờ trình Quyết định của Thủ tướng về Quy hoạch điện VIII mà Bộ Công thương vừa đưa ra lấy ý kiến thì số MW quy hoạch điện gió đều giảm sâu so với tờ trình trước, khiến “cuộc chiến giành chỗ” của các dự án năng lượng sạch được dự báo sẽ rất khốc liệt, nhất là giữa các đại gia Việt với các tập đoàn lớn hàng đầu thế giới đã rục rục đặt chân vào.

Điện gió ngoài khơi về... 0

Cụ thể, tại dự thảo tờ trình, Bộ Công thương cho biết, theo kịch bản cơ sở, đến năm 2030 công suất đặt của điện gió giảm tới xấp xỉ 4.200 MW so với tờ trình mà Bộ Công thương báo cáo Chính phủ hồi cuối tháng 3. Trong đó, điện gió ngoài khơi… bỗng dưng về 0, tức giảm đến 2.000 MW. Điện sinh khối và năng lượng tái tạo khác cũng giảm khoảng 2.000 MW.
Với việc tổng nhu cầu điện gần như không đổi, dự thảo quy hoạch đã tăng thêm hơn 3.000 MW nhiệt điện than và 600 MW thuỷ điện để “bù” vào việc cắt giảm các nguồn điện tái tạo.
Tương tự, ngay cả kịch bản cao thì việc cắt giảm các nguồn năng lượng tái tạo cũng rất lớn. Theo đó, sau khi rà soát số liệu năm 2030, năng lượng tái tạo (gió, gió ngoài khơi, sinh khối) sẽ bị cắt nhiều nhất với 7.300 MW; trong khi than, thủy điện tăng 2.400 MW. Trong số này, điện gió giảm từ 16.080 MW ở tờ trình trước xuống còn 11.820 MW. Điện gió ngoài khơi thì giảm từ 3.000 MW về còn 2.000 MW.
Còn nếu tính đến giai đoạn 2045, con số giảm còn cao hơn nhiều so với tờ trình hồi tháng 3 trước đó. Cụ thể, ở kịch bản cao, điện gió sẽ giảm gần 8.000 MW công suất đặt (còn 32.7020 MW). Trong khi ở kịch bản cơ sở đến 2045, điện gió cũng giảm 12.500 MW.
Điều đáng chú ý tại các phụ lục kèm theo dự thảo tờ trình, trong khi hầu hết các dự án nhiệt điện, thuỷ điện đều có thông tin sơ bộ về địa điểm, công suất, chủ đầu tư thì phụ lục danh mục dự án điện gió ngoài khơi chỉ vẻn vẹn con số 2.000 MW cho giai đoạn đến năm 2030 (kịch bản cao).

Tín hiệu không tốt cho nhà đầu tư?

Bản dự thảo mới lập tức gây xôn xao trong cộng đồng những người làm năng lượng tái tạo, bởi con số này là rất chật chội so với hàng loạt dự án đang khảo sát hoặc vừa ký hợp đồng ghi nhớ với các đối tác lớn nhất trong lĩnh vực này. Có thể kể đến như dự án điện gió La Gàn ngoài khơi tỉnh Bình Thuận của một tập đoàn nước ngoài với công suất 3.500 MW, mấy tháng qua liên tục sôi động bằng việc ký các hợp đồng khảo sát hàng triệu USD với các nhà thầu Việt Nam.
Hay như một siêu dự án khác là điện gió Thăng Long (Kê Gà) - một trong những dự án sớm nhất tại Việt Nam tiến hành các bước khảo sát và các thủ tục xin cấp phép.

Điện gió sẽ gặp khó với dự thảo quy hoạch mới cập nhật

GWEC

Đặc biệt, gần như cùng lúc khi dự thảo này được đưa ra lấy ý kiến ở trong nước thì tại châu Âu, Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển đặt bút ký vào ghi nhớ với tập đoàn điện gió ngoài khơi hàng đầu thế giới là Ørsted để triển khai các dự án ở vùng biển nam Trung bộ với tổng công suất lắp đặt ước tính gần 10.000 MW và tổng giá trị đầu tư được giới thiệu lên tới 30 tỉ USD.
Đó là chưa kể, “đại gia Rolls-Royce” - ông chủ của Tập đoàn Đức Thắng (Hà Tĩnh) mới đây đã đề nghị địa phương này về chủ trương khảo sát, nghiên cứu, thực hiện cụm dự án nhà máy điện gió trên biển và đất liền tại H.Kỳ Anh và TX.Kỳ Anh với tổng công suất gần 350 MW, tổng mức đầu dự kiến gần 14.000 tỉ đồng.
Chia sẻ với Thanh Niên, đại diện Hội đồng Điện gió toàn cầu lo ngại rằng trong bối cảnh các dự án nhiệt điện than và khí hóa thạch được chuyển tiếp từ Quy hoạch VII và Quy hoạch VII điều chỉnh sẽ tiếp tục gặp thách thức trong việc thu hút tài chính, khả năng chậm tiến độ rất cao.
Hiện cộng đồng tài chính quốc tế đang quyết tâm rút lui khỏi các dự án năng lượng hóa thạch thì đây là thời điểm quan trọng để Chính phủ đưa ra quyết định chiến lược về việc đẩy mạnh vai trò của điện gió ngoài khơi.
“Trong thập niên vừa qua, chi phí sản xuất điện gió ngoài khơi đã giảm 67% trên phạm vi toàn cầu và dự kiến trong 5 năm tới sẽ tiếp tục giảm thêm 30%. Quy hoạch VIII là cơ hội để Việt Nam có thể bắt đầu triển khai phát triển điện gió ngoài khơi như một biện pháp dự phòng hữu hiệu cho các nguồn điện gặp rủi ro về tiến độ khác”, vị này nói.
Tương tự, ông Keld Bennetsen, lãnh đạo Tập đoàn Copenhagen Offshore Partners, đơn vị phát triển dự án điện gió La Gàn, cũng bày tỏ, việc trì hoãn phát triển loại hình này có thể là một tín hiệu không tốt đến các nhà đầu tư và nhà cung ứng.
“Việc phát triển điện gió ngoài khơi có thể đảm bảo an ninh năng lượng và giảm việc phụ thuộc vào các nguồn năng lượng nhập khẩu. Chúng tôi khuyến nghị chính phủ nắm bắt cơ hội chuyển đổi năng lượng xanh thông qua việc hỗ trợ phát triển điện gió ngoài khơi. Đây là thời điểm để chính phủ thiết lập và chuyển đổi thị trường năng lượng của Việt Nam trong những thập kỷ tới. Các thị trường khác tại châu Á - Thái Bình Dương chỉ mới thực hiện các bước đầu tiên trong chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi”, ông Keld Bennetsen bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.