Đìu hiu sông Lạch Bạng
Vụ việc 44 tấn cá lồng của người dân ở P.Xuân Lâm (TX.Nghi Sơn, Thanh Hóa) nuôi trên sông Lạch Bạng chết bất thường, cho đến nay đã gần 1 tháng trôi qua vẫn chưa có đơn vị nào kết luận được nguyên nhân vì sao cá chết. Người dân lao đao vì thiệt hại kinh tế, các cơ quan chức năng thì vẫn đang “trong quá trình giải quyết”, còn sông Lạch Bạng vẫn đang bị bức tử.
Những ngày qua, phóng viên Thanh Niên đã thị sát đoạn sông Lạch Bạng dài khoảng 2 km, chạy qua địa bàn các phường Bình Minh, Hải Thanh, Hải Bình, Xuân Lâm (TX.Nghi Sơn, Thanh Hóa).
Dọc hai bên bờ sông, cảnh im ắng đến lạ thường, chỉ còn những tấm lưới dùng làm lồng nuôi cá nằm vắt vẻo trên các bè luồng.
|
Theo phản ánh của người dân, dù đang trong thời gian bị tạm dừng hoạt động (từ ngày 25.7) do trước đó cơ quan chức năng phát hiện hành vi xả thải trái phép ra sông Lạch Bạng, nhưng Công ty TNHH chế biến hải sản Ngọc Sơn và Công ty CP thương mại vận tải - chế biến hải sản Long Hải (đều đóng trên địa bàn P.Hải Bình, TX.Nghi Sơn, Thanh Hóa) vẫn lén lút hoạt động.
Nghi vấn doanh nghiệp lén lút hoạt động dù đang bị cấm
Trưa 16.8, phóng viên được người dân dùng thuyền chở dọc theo bờ sông đoạn qua P.Hải Bình. Chỉ đoạn bờ sông dài hơn 100 m, có tới 3 chiếc cống cỡ lớn bằng bê tông đang xả nước thải từ trong nội đê ra ngoài sông Lạch Bạng. Nước thải xả ra trong thời tiết nắng nóng bốc mùi hôi thối, là mùi từ quá trình chế biến hải sản.
Đáng chú ý, có chiếc cống nước thải ra còn bốc hơi, nhiệt độ nước thải rất cao. Theo người dân ở đây, 3 chiếc cống đều là cống của các nhà máy chế biến hải sản thải nước thải từ quá trình sản xuất bột cá.
|
Khi tiếp cận ở khu vực bên ngoài nhà máy chế biến hải sản của Công ty CP thương mại vận tải - chế biến hải sản Long Hải, phóng viên ghi nhận ống khỏi của nhà máy vẫn xả khói, lúc thì khói màu đen, lúc khói màu trắng. Bên trong khuôn viên nhà máy, vẫn có hoạt động sản xuất, vận chuyển hàng hóa.
Còn tại Công ty TNHH chế biến hải sản Ngọc Sơn, tài liệu mà phóng viên có được cho thấy doanh nghiệp này có dấu hiệu tổ chức sản xuất vào ban đêm, nhằm tránh lực lượng chức năng phát hiện.
|
Gần đây nhất, tối 17.8, trong xưởng sản xuất của Công ty TNHH chế biến hải sản Ngọc Sơn, nhiều công nhân, máy xúc vẫn tổ chức sản xuất sản phẩm từ cá mua từ các tàu thuyền.
Trao đổi với phóng viên, bà Trịnh Thị Cúc, Giám đốc Công ty CP thương mại vận tải - chế biến hải sản Long Hải, không trả lời thẳng vào câu hỏi là có hay không doanh nghiệp vẫn hoạt động dù đang trong thời gian bị tạm dừng hoạt động.
Dù không xác nhận việc vẫn tổ chức sản xuất trong thời gian bị cấm, nhưng bà Cúc giải thích: “Công ty vẫn mua các sản phẩm thành phẩm, vì liên quan đến các đơn hàng, và làm khô, chứ không làm nước. Tôi cũng báo cáo với Sở TN-MT, bây giờ mà không hoạt động có khi dân đi tàu người ta còn biểu tình hơn cả cái việc vừa rồi”.
|
Trước đó, ngày 24.7, Sở TN-MT Thanh Hóa có báo cáo kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH chế biến hải sản Ngọc Sơn và Công ty CP thương mại vận tải - chế biến hải sản Long Hải. Việc kiểm tra được thực hiện sau khi 44 tấn cá lồng của người dân P.Xuân Lâm chết bất thường.
Kết quả kiểm tra xác định, Công ty TNHH chế biến hải sản Ngọc Sơn không có hệ thống xử lý nước thải tập trung, tất cả nước thải từ quá trình sản xuất đều thải trực tiếp ra sông Lạch Bạng bằng hệ thống máy bơm có công suất 105 m3/giờ, qua đường ống kích thước D90.
Kiểm tra tại Công ty CP thương mại vận tải - chế biến hải sản Long Hải phát hiện, dù công ty này có hệ thống xử lý nước thải tập trung công suất 600 m3/ngày, nhưng thời điểm kiểm tra hệ thống xử lý nước thải không hoạt động, mà thải nước thải trực tiếp ra sông Lạch Bạng. Nước thải từ công ty thải ra có màu đục, nhiều bã bột cá, mùi hôi và nước thải có nhiệt độ cao (hơn 60 độ C).
|
Từ kết quả kiểm tra, Sở TN-MT Thanh Hóa đã yêu cầu các công ty trên tạm dừng hoạt động kể từ ngày 25.7, và cho đến ngày 18.8 vẫn chưa được phép hoạt động lại.
Việc cho phép hoạt động lại chỉ được xem xét khi các doanh nghiệp khắc phục các lỗi vi phạm về công tác bảo vệ môi trường, và bị cơ quan chức năng xử lý các lỗi đã vi phạm. Tuy nhiên, trong khi chưa được phép hoạt động lại thì các doanh nghiệp trên có dấu hiệu lén lút hoạt động.
Trong các ngày 19 - 20.7, cá lồng nuôi trong 251 lồng của 16 hộ gia đình ở khu phố Dự Quần (P.Xuân Lâm, TX.Nghi Sơn) bất ngờ chết trắng.
Tổng khối lượng cá chết kiểm đếm được khoảng 44 tấn. Các loài cá bị chết gồm cá vược, hồng mỹ, mú, sủ (cân nặng từ 1 - 3 kg). Sở NN-PTNT Thanh Hóa lấy mẫu cá, mẫu nước (khu vực nuôi cá) đi xét nghiệm thì kết quả xác định cá chết không phải do dịch bệnh.
|
Bình luận (0)