Kỳ vọng các đại dự án giao thông 'cất cánh'

17/02/2021 04:41 GMT+7

Dự kiến từ năm 2021 - 2025, ba đại dự án giao thông gồm: hoàn thiện đường bộ cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn tới Cà Mau, tuyến đường Hồ Chí Minh và giai đoạn 1 Cảng hàng không quốc tế Long Thành được kỳ vọng sẽ tạo đột phá về hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội đất nước.

1.799 km cao tốc nối Hà Nội - Cần Thơ
Trước Tết Nguyên đán 2021, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ triển khai chuyển đổi phương thức đầu tư 2 dự án cao tốc Bắc - Nam từ hình thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công là đoạn QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu. Các bước chuyển đổi đã được nhanh chóng thực hiện ngay sau khi 2 dự án PPP này “bể thầu”, không tìm được nhà đầu tư vào tháng 11.2020. Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý chuyển đổi phương thức đầu tư vào đầu tháng 1.2021. Các ban quản lý dự án chịu trách nhiệm chuẩn bị đầu tư được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh để sớm khởi công 2 dự án trong tháng 5.2021.
Giai đoạn 2021 - 2025, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành giao thông tối thiểu khoảng 759.000 tỉ đồng. Trong đó, cân đối từ ngân sách khoảng 462.000 tỉ đồng, huy động vốn ngoài ngân sách khoảng 297.000 tỉ đồng.
Cùng với 3 dự án chuyển sang đầu tư công trước đây, tính tới nay, có 8/11 dự án cao tốc Bắc - Nam thành phần được đầu tư theo hình thức đầu tư công. Việc chuyển đổi sang vốn đầu tư công có thể xem như “cứu cánh” cho các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020. Trước đó, do thay đổi phương thức đấu thầu, bí nguồn vốn đầu tư, ế thầu… khiến các dự án ì ạch mất hơn 2 năm, tới đầu năm 2020 mới hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư.
Với chiều dài 654 km, quy mô 4 làn xe, nếu hoàn tất triển khai 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam (tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 100.800 tỉ đồng) vào năm 2022 - 2023 sẽ góp phần nối thông tuyến cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cần Thơ.
Theo quy hoạch phát triển mạng cao tốc VN, toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông từ Hà Nội đến Cần Thơ có tổng chiều dài 1.799 km. Tới nay đã hoàn thành đưa vào khai thác 356 km, hiện đang triển khai đầu tư 784 km (bao gồm 654 km cao tốc giai đoạn 2017 - 2020). Để nối thông toàn tuyến cao tốc, cần đầu tư 659 km còn lại. Bộ GTVT đã giao các đơn vị nghiên cứu tiền khả thi cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2 với 10 dự án thành phần, nhu cầu vốn khoảng 113.000 tỉ đồng, xem xét đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025.
Cùng với đại dự án cao tốc Bắc - Nam, việc hoàn tất 500 km chưa có vốn đầu tư để hoàn thành 2.744 km đường Hồ Chí Minh từ Pắc Bó tới mũi Cà Mau, hoàn thành sân bay Long Thành giai đoạn 1 (2021 - 2025) cũng được Bộ GTVT xác định là ưu tiên hàng đầu trong bố trí nguồn lực.
Bên cạnh đó, trong 5 năm tới, Bộ GTVT cũng sẽ dồn nguồn lực để chuẩn bị đầu tư cho các công trình đột phá trung hạn 2026 - 2030, như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với 2 đoạn ưu tiên là Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang, 1.000 km đường cao tốc kết nối với các trung tâm kinh tế lớn để hoàn thành mục tiêu 5.000 km cao tốc vào năm 2030, sân bay Long Thành giai đoạn 2…

Tìm đột phá về nguồn lực

Dù có nhiều dự án giao thông trọng điểm khởi công và là một trong những ngành có mức giải ngân cao nhất, song trên thực tế, trong 3 - 4 năm qua, không có dự án giao thông vốn BOT mới nào được khởi công. Ngoài bế tắc về nguồn vốn do ngân hàng không còn mặn mà, số phận bấp bênh của nhiều dự án BOT giao thông khiến các nhà đầu tư tư nhân nản lòng.
Trả lời Thanh Niên, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết vừa qua, một số dự án của ngành giao thông theo hình thức PPP không thành công, một trong các nguyên nhân chính do chưa có luật PPP.
“Hiện luật PPP quy định hạn mức nhà nước tham gia trong dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư dự án, còn lại là huy động vốn xã hội hóa. Nhưng nếu áp chung quy định này cho tất cả các vùng thì rất khó, ví dụ áp cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long thì rất khó kêu gọi tư nhân, bởi khu vực này đặc thù nền đất yếu, phải xây dựng nhiều cầu, chi phí đầu tư lớn… Bộ GTVT đang tham mưu cho Chính phủ đưa ra các văn bản dưới luật PPP làm sao áp dụng cho từng khu vực”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Trước những lo ngại của các nhà đầu tư tư nhân khi các vấn đề bất cập của một số BOT đang bị “treo” lại, việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các dự án BOT trước đây sẽ có tác dụng tích cực, tạo niềm tin, môi trường thuận lợi để tiếp tục thu hút nguồn lực xã hội trong đầu tư hạ tầng giao thông giai đoạn tới.
“Các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến các cơ chế bảo lãnh, như bảo lãnh doanh thu tối thiểu, cam kết chuyển đổi ngoại tệ, bảo hiểm bên thứ ba thay thế Chính phủ thực hiện nghĩa vụ đã ký trong hợp đồng… Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP đã bao gồm các cơ chế về bảo lãnh doanh thu, bảo đảm cân đối ngoại tệ. Bộ GTVT sẽ phối hợp với các bộ, ngành tham mưu Chính phủ tiếp tục có các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là khơi thông nguồn vốn tín dụng nước ngoài để triển khai đầu tư các dự án”, ông Thể khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.