Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp 20% nhưng thực tế chỉ 11%/năm

17/12/2019 17:15 GMT+7

Lãnh đạo Bộ Tài chính nhận định một số trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu lãi suất cao chỉ là giao dịch cá biệt.

Phát biểu trên cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính, ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính - cho biết theo số liệu thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, trong 10 tháng đầu năm 2019, bình quân lãi suất phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) là 9%/năm. Bình quân lãi suất phát hành TPDN tương đương với mức lãi suất phổ biến cho vay trung và dài hạn của hệ thống ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước công bố (từ 9-11%/năm). Cụ thể, 82% khối lượng trái phiếu có lãi suất dưới 11%/năm, 17% khối lượng có lãi suất từ 11-13%, 0,9% khối lượng trái phiếu có lãi suất trên 13%/năm.
Trong đó, có 2 doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất cao mà báo chí có đề cập thời gian gần đây là các giao dịch riêng lẻ, cá biệt và không ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất huy động vốn từ phát hành TPDN.
“Chúng tôi có đi kiểm tra trường hợp doanh nghiệp bất động sản phát hành lãi suất trên 14%/năm thì thấy rằng đây là doanh nghiệp đang niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán, trái phiếu huy động cho các dự án được đánh giá là an toàn và có khả năng sinh lời. Nhà đầu tư bao gồm quỹ đầu tư chuyên nghiệp và một nhóm nhà đầu tư cá nhân có khả năng đánh giá được rủi ro đầu tư. Đến nay, doanh nghiệp này thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của trái phiếu. Đối với doanh nghiệp báo chí có phản ánh phát hành lãi suất ở mức 20%/năm, chúng tôi đã rà soát và đề nghị doanh nghiệp, tổ chức tư vấn phát hành báo cáo thì lãi suất 20%/năm là mức lãi suất trần, lãi suất cụ thể được tính theo từng kỳ trả lãi (hằng tháng) và theo với lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm của 2 ngân hàng thương mại nhà nước cộng với độ lệch. Theo tính toán thì lãi suất cho kỳ trả lãi đầu tiên khoảng trên 11%/năm”, ông Nguyễn Hoàng Dương nói.
Trước đó trong tháng 11.2019, Công ty Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng thông báo hoàn tất phát hành số trái phiếu trị giá hơn 1.403 tỉ đồng, kỳ hạn và bên mua là nhà đầu tư nước ngoài. Thương vụ phát hành này đáng chú ý khi có mức lãi suất “khủng” lên 20%/năm.
Mặc dù phát triển nhanh nhưng quy mô thị trường TPDN còn nhỏ so với các cấu phần khác của thị trường vốn như thị trường trái phiếu Chính phủ (chiếm 27,25% GDP năm 2018), thị trường cổ phiếu (chiếm 71,9% GDP năm 2018); so với kênh huy động vốn tín dụng ngân hàng (dư nợ tín dụng năm 2018 đạt 131% GDP) và so với quy mô của các nước trong khu vực (thị trường TPDN các nước trong khu vực có quy mô đạt 20-50% GDP). Các doanh nghiệp vẫn chủ yếu phát hành theo phương thức riêng lẻ. Khối lượng trái phiếu ra công chúng có xu hướng tăng trong 2 năm gần đây nhưng vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ (khoảng 3% tổng khối lượng phát hành). Bên cạnh đó, tính công khai, minh bạch cần phải tiếp tục được củng cố. Ngoài ra, doanh nghiệp phát hành chưa hoàn toàn chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật về công bố thông tin và quy trình phát hành, nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm đầu tư và khả năng phân tích đánh giá rủi ro... Do đó, Bộ Tài chính đã yêu cầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tăng cường quản lý giám sát hoạt động phát hành, đầu tư, phân phối, giao dịch và kiểm tra về việc triển khai quy định của Nghị định số 163 về phát hành TPDN, có văn bản chấn chỉnh tới từng doanh nghiệp phát hành và tổ chức cung cấp dịch vụ…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.