Lãi suất vẫn đang “dò” đáy

12/10/2020 06:00 GMT+7

Động thái giảm mạnh lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng khiến dòng tiền nhàn rỗi "nhấp nhỏm" muốn tìm địa chỉ mới sinh lời nhiều hơn. Thế nhưng theo các chuyên gia, dư địa giảm lãi suất vẫn còn.

Lãi suất huy động giảm liên tục

Các nhà băng lớn tuần qua vừa đồng loạt giảm lãi suất huy động tiền đồng thêm 0,1 - 0,3%/năm so với mức cũ. Cụ thể, BIDV, VietinBank huy động lãi suất kỳ hạn 1 và 2 tháng còn 3,3%/năm; 3 và 5 tháng còn 3,6%/năm; 6 tháng còn 4,2%/năm; 12 tháng trở lên còn 5,8%/năm. Vietcombank cũng đã giảm lãi suất huy động tiền đồng kỳ hạn 1 và 2 tháng còn 3,1%/năm; 3 tháng còn 3,4%/năm; 6 tháng còn 4%/năm; 12 tháng còn 5,8%/năm…
Trước đó, các ngân hàng (NH) thương mại cổ phần như VPBank, Sacombank, SHB, ABBANK… đã giảm lãi suất huy động tiền đồng từ 0,1 - 0,5%/năm tùy theo kỳ hạn.
Trên thị trường liên NH, các NH giao dịch tiền đồng với mức lãi suất thấp nhất từ trước đến nay. Ngày 8.10, lãi suất bình quân liên NH kỳ hạn qua đêm còn 0,1%/năm, 1 tuần còn 0,24%/năm, 2 tuần còn 0,19%/năm, 1 tháng còn 0,44%/năm, 3 tháng còn 1,24%/năm, 6 tháng còn 2,05%/năm…
Động thái giảm hàng loạt lãi suất huy động của các NH đến từ việc NH Nhà nước giảm lãi suất cơ bản vào đầu tháng 10. Đây là lần thứ 3 trong năm nhà điều hành thực hiện điều này với tổng mức giảm từ 1,5 - 2%/năm, giảm 0,6 - 1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng; giảm 1,5% trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiện nay chỉ còn 4,5%/năm) để giảm mặt bằng lãi suất, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn vay với chi phí phù hợp trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch.
Tính đến 30.9, tăng trưởng tín dụng của ngành NH ở mức 6,09% so với cuối năm 2019. Như vậy, có khoảng 500.000 tỉ đồng "chảy" ra thị trường trong 9 tháng qua. Dòng vốn tín dụng đổ vào ngành thương mại dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn 63%, có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất khoảng 6,32%; ngành công nghiệp xây dựng ước tăng 5,89%, chiếm tỷ trọng 28,75%; tín dụng đối với ngành nông, lâm nghiệp thủy sản chiếm 8,66%, ước tăng 5,09%.
Trong đó, tín dụng đã hỗ trợ cho một số ngành là động lực cho tăng trưởng kinh tế như công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 13,31%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,36%; ngành xây dựng tăng 9,01%, ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 8,08%. Đối với các lĩnh vực ưu tiên, tín dụng tập trung vào xuất khẩu tăng 7%, nông nghiệp và nông thôn tăng 5%, doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng khoảng 5,5%.

Thăm dò hướng ra

Mặc dù lãi suất NH giảm thấp nhưng dòng vốn huy động vẫn có tốc độ tăng nhanh hơn so với đầu ra. Tính đến ngày 22.9, tăng trưởng huy động vốn của NH là 7,7% (cùng thời điểm năm 2019 là 8,41%). Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi của hệ thống NH ngày càng giảm, chẳng hạn như cuối tháng 3 là 73,81% thì đến cuối tháng 7 chỉ còn 72,81%.

Vẫn chưa tới “đáy”

Dự báo mức lãi suất huy động tiền đồng trong thời gian tới, ông Nguyễn Trí Hiếu nhận định lãi suất hiện nay vẫn chưa phải là mức đáy và có dư địa giảm thêm 1% nữa ở kỳ hạn 12 tháng. Các NH thương mại do nhà nước chi phối hiện nay đang huy động lãi 5,8%/năm, các NH cổ phần huy động từ 6,5 - 7,8%/năm, do đó lãi suất huy động hiện vẫn đang thực dương so với lạm phát từ 2 - 3% nên còn dư địa giảm.
Trước những con số này, ông Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng - cho rằng dòng tiền vẫn vào NH gửi tiết kiệm là chủ yếu. Với mặt bằng lãi suất thấp không phải đến từ chương trình kích thích cung tiền từ Chính phủ mà là hệ quả từ việc đầu cho vay ra chất lượng ở mức thấp. Nhu cầu vốn của nền kinh tế có nhưng các NH hiện nay cho vay một cách thận trọng nên dư nợ tín dụng phần nào đó cũng giảm đi. Các NH chỉ cho vay đối với những khoản có tài sản thế chấp, những ngành nghề kinh doanh tốt… Điều này cũng dễ hiểu bởi dịch Covid-19 kéo dài nên buộc ngành NH phải thận trọng nếu không phát sinh nợ xấu. Một điểm gần đây là các NH đang thúc đẩy kích thích cho vay tiêu dùng, những khách hàng có nhu cầu mua bất động sản sử dụng. Do đó với mặt bằng lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp, các nhà đầu tư vào bất động sản, chứng khoán đang trong trạng thái nghe ngóng, “thăm dò” chứ chưa mạnh dạn xuống tay, chính vì vậy mà 2 thị trường này hiện nay vẫn chưa thu hút được dòng vốn mới.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, Giám đốc Trung tâm vốn Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho rằng dịch Covid-19 kéo dài nên kênh gửi tiết kiệm vẫn là lựa chọn an toàn hàng đầu của người có tiền hiện nay. Thế nhưng, với mức lãi suất thấp như hiện nay rất dễ tạo bẫy thanh khoản khi người gửi có nhu cầu rút tiền để đầu tư các kênh khác như chứng khoán, vàng (đang biến động liên tục), bất động sản. Hiện nay chưa xuất hiện tình trạng này nhưng nếu lãi suất huy động còn giảm sâu nữa thì cũng có thể xảy ra.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.