Lãi vay thấp, tín dụng tăng chậm

07/08/2020 06:30 GMT+7

Tâm lý “co cụm” do dịch Covid -19 khiến sức hấp thụ vốn tín dụng khá thấp dù ngân hàng thương mại giảm LS cho vay về mức thấp.

Xuất hiện lãi cho vay 4,3%/năm

Ngày 5.8, Ngân hàng (NH) thương mại cổ phần (TMCP) Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) vừa đưa ra gói tín dụng 40.000 tỉ đồng với lãi suất (LS) giảm từ 0,1 - 0,2%/năm hỗ trợ khách hàng trong mùa dịch Covid-19.
Khách hàng vay mua nhà, mua xe, vay tiêu dùng hoặc sản xuất kinh doanh từ 36 tháng trở lên được áp dụng LS vay ưu đãi 7,2%/năm trong 6 tháng vay đầu, 7,6%/năm trong 12 tháng, 8,1%/năm trong 18 tháng, 8,5%/năm trong 24 tháng và 9,2%/năm trong 36 tháng. Trước đó vài ngày, nhà băng này còn triển khai gói tín dụng 30.000 tỉ đồng cho sản xuất kinh doanh với LS cho vay 6%/năm đối với các khoản vay có kỳ hạn dưới 6 tháng; từ 6,5%/năm đối với các khoản vay từ 6 - 12 tháng.
Vietinbank cũng cho doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vay phục hồi sản xuất, phát triển kinh doanh sau ảnh hưởng của dịch Covid-19 với LS từ 8,1%/năm. NH này còn triển khai thêm gói ưu đãi LS quý 3 với quy mô 60.000 tỉ đồng và 600 triệu USD. Trong đó mức LS cho vay từ 4,3%/năm đối với tiền đồng và 2,0%/năm đối với USD, giảm tiếp 0,2 - 0,5%/năm so với gói ưu đãi LS quý 2. Cuộc cạnh tranh giảm lãi vay cũng có sự tham gia mạnh mẽ của khối NH TMCP. Đơn cử Sacombank dành 15.000 tỉ đồng cho khách hàng vay với LS từ 5%/năm; 10.000 tỉ đồng cho cá nhân vay với LS từ 6,5%/năm đối với sản xuất kinh doanh và 7,5%/năm mua nhà, xe ô tô, tiêu dùng...
Trước đó trong tháng 7, các NH TMCP đã điều chỉnh giảm lãi vay khoảng 0,1 - 0,33%/năm tùy theo kỳ hạn, NHTM nhà nước (NN) giảm 0,11%/năm đối với khoản vay trung dài hạn. Cụ thể, lãi vay tiền đồng đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường đến nay được áp dụng phổ biến ở mức 7,33 - 9,05%/năm đối với ngắn hạn và ở mức 9,73 - 10,48%/năm đối với trung, dài hạn. Lãi vay ngắn hạn tiền đồng đối với 5 lĩnh vực, ngành nghề hiện nay áp dụng tối đa 5%/năm; trung, dài hạn tiền đồng đối với các khoản vay đầu tư, kinh doanh bất động sản được áp dụng cao nhất ở mức 12,4%/năm.
So với đầu năm, LS cho vay của các NHTM đã giảm 0,5 - 2,5%/năm nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn không khả quan, chẳng hạn Vietinbank tín dụng tăng 0,66% so với cuối năm 2019, trong khi huy động tăng 2,3%… Tốc độ tăng trưởng tín dụng của ngành NH tính đến cuối tháng 7 ở mức 3,45%, tăng 0,19% so với cuối tháng 6. Tăng trưởng tín dụng 7 tháng đầu năm 2020 chỉ mới bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái, ở 7,13%.
Tính đến ngày 13.7, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 272.000 khách hàng với dư nợ hơn 210.000 tỉ đồng; miễn, giảm, hạ LS cho hơn 435.000 khách hàng với dư nợ hơn 1,27 triệu tỉ đồng; cho vay mới LS ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23.1.2020 đến nay đạt 1,17 triệu tỉ đồng cho hơn 247.000 khách hàng.

Ngân hàng thừa vốn, vẫn khó cho vay

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN, cho biết tăng trưởng tín dụng hiện nay đang chậm lại. Tín dụng tiêu dùng những năm trước tăng ầm ầm thì nay cũng tăng rất thấp bởi người lao động mất việc, giảm thu nhập tăng lên. “Các NH đang thừa vốn, muốn cho vay mà có được đâu. Vì cho vay thì DN phải có phương án kinh doanh hiệu quả chứ không thì lấy gì mà trả nợ. Diễn biến dịch Covid-19 rất phức tạp, hoạt động sản xuất kinh doanh cầm chừng, nhu cầu tiêu dùng trong nước hay xuất khẩu đều khó khăn nên sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu”, ông Hùng nói.
Trước ý kiến lãi vay còn cao, ông Nguyễn Quốc Hùng phân tích, lãi vay trung bình của các NH hiện đã thấp hơn trước nhiều, chỉ khoảng 7 - 8%/năm. Lãi vay giảm hay không còn phụ thuộc vào huy động vốn. Hiện mặt bằng LS huy động từ 4 - 5%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, trên 6 tháng LS cao hơn, từ 5 - 7%/năm, thêm vào đó các chi phí, dự phòng rủi ro, hệ số sử dụng vốn... nên chi phí vốn lên hơn 6%, do đó LS cho vay 7 - 8%/năm là các NH cũng đã chia sẻ rất nhiều với khách hàng. Đối với những khách hàng tốt, ít rủi ro, LS cho vay có thể thấp hơn, khoảng 5%/năm.
“Ngành NH đã triển khai các giải pháp chia sẻ khó khăn với khách hàng như cơ cấu nợ, giảm LS, gia hạn nợ... nhưng khi nền kinh tế khó hấp thụ vốn thì khó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn này. NH vào cuộc từ rất sớm nhưng tình hình này nghĩ ra cách nào khác những giải pháp đã triển khai cũng rất khó”, ông Hùng thừa nhận.
Liên quan đến tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm, đặc biệt trong tình hình dịch Covid-19 bùng phát trở lại, ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh, NH cho vay thì phải đảm bảo thu hồi được nợ chứ không phát sinh nợ xấu sau này. Đây là điều các NH cần tính toán cẩn trọng vì bài học kinh nghiệm năm 2008 suy thoái kinh tế dẫn đến bùng phát nợ xấu NH rất lớn vào năm 2013. Quan trọng vẫn là phương án trả nợ. NH có cho vay LS dù 0% mà DN không có phương án kinh doanh hiệu quả, không chứng minh được phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả cũng sẽ không có tiền trả NH và nuôi chính bản thân DN.

NHNN giảm LS tiền gửi và dự trữ bắt buộc

Ngày 6.8, NHNN công bố các quyết định giảm LS tiền gửi dự trữ bắt buộc và tiền gửi bằng tiền đồng của các tổ chức tín dụng tại NHNN từ 0,2 - 0,5%/năm so với mức trước đó. Theo đó, LS tiền gửi dự trữ bắt buộc của tổ chức tín dụng tại NHNN là 0,5% và tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc là 0%; LS tiền gửi bằng VND của NH Phát triển Việt Nam, NH chính sách xã hội, Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô tại NHNN là 0,8%; LS tiền gửi của Kho bạc NN, Bảo hiểm tiền gửi tại NHNN là 0,8%. Các quyết định trên có hiệu lực từ ngày 6.8. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.