Thực tế này đang diễn ra tại xã Văn Đức (H.Gia Lâm) hay xã Tráng Việt (H.Mê Linh), nơi được coi là những vựa trồng rau xanh quy mô lớn cung cấp chính cho thị trường Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
Bài học kinh nghiệm đã có, vẫn không cải thiện
Khảo sát ngày 28.2 tại thôn Đông Cao (xã Tráng Việt, H.Mê Linh) cho thấy, giá củ cải thu mua theo chương trình “hỗ trợ nông dân tiêu thụ” - một cách nói khác của "giải cứu nông sản", chỉ có 1.000 đồng/kg, cà chua 1.300 đồng/kg - quá rẻ, nhưng số lượng hàng được thu mua không nhiều. Còn ngoài ruộng, nhiều hộ đành nhổ bỏ củ cải, bỏ cà chua chín đỏ cây, rụng đầy gốc.
Bà Vũ Thị Nghiệp (nhà ở xóm 3, thôn Đông Cao) cho biết, ruộng cà chua còn hơn 2 tấn đã bị bỏ từ trước tết, khi giá xuống chỉ còn 1.000 đồng/kg. Bởi theo bà Nghiệp, có thu hoạch cũng chẳng bõ tiền công. Nếu có thuê người hái thì tiền công 1 ngày lên tới 250.000 đồng, tiền bỏ ra thuê lao động quá cao so với tiền bán cà chua.
Ông Đàm Văn Đua, Chủ tịch HTX Đông Cao, cho biết rau quả tại địa phương luôn có khoảng 40 đầu xe ô tô của thương lái thu mua mỗi ngày. Nhưng khi dịch Covid-19 trở lại, thương lái không thu mua, cộng với thời tiết thuận lợi nên năng suất rau tăng cao, càng dẫn đến ế thừa, mất giá.
|
Cũng theo ông Đua, năm 2018, xã Tráng Việt từng kêu gọi "giải cứu củ cải", đến năm nay tình trạng này lại lặp lại. Bài học nghiên cứu công nghệ bảo quản, đẩy mạnh chế biến gắn với thị trường tiêu thụ được đặt ra từ cuộc giải cứu trước đây đến nay không có gì cải thiện.
HTX Đông Cao rất muốn được các nhà khoa học hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ bảo quản để tăng thời gian bảo quản lên 3 - 5 ngày thay vì chỉ có 2 - 3 ngày như hiện nay, để tăng lượng hàng vào siêu thị. Củ cải đưa vào chế biến cũng chỉ có 2 doanh nghiệp nhỏ tham gia nhưng chi phí quá cao, vì cứ 30 kg củ tươi thì mới sấy được 1 kg củ cải khô nên doanh nghiệp chỉ sấy được khi giá củ cải rẻ dưới 3.000 đồng/kg.
Cũng theo ông Đua, ngoài điểm nghẽn ở khâu chế biến thì củ cải, cà chua ế thừa có nguyên nhân từ diện tích trồng những loại rau này quá lớn. HTX Đông Cao quy hoạch được 80 ha trồng củ cải và 27 ha trồng cà chua. Nhưng thực tế, ngoài xã Tráng Việt, nông dân còn thuê đất ở các xã lân cận để làm khiến khối lượng rau cung vượt cầu, rau trong và ngoài vùng quy hoạch cạnh tranh lẫn nhau khiến giá rẻ, dồn ứ khi không có nơi tiêu thụ.
Nông sản Việt Nam sẽ vẫn còn có nhiều cuộc "giải cứu" nếu không có quy hoạch chuyên biệt
Còn tại xã Văn Đức (H.Gia Lâm, Hà Nội), nhiều loại rau vụ đông như su hào, bắp cải, su hào, cải thảo ở trong tình trạng giá rẻ chưa từng thấy. Bắp cải hiện có giá 1.500 đồng/kg, cải thảo 1.500 - 2.000 đồng/kg.
Trước tết Nguyên đán Tân Sửu, giá rau còn thấp hơn, đặc biệt là cải thảo, số lượng quá nhiều và giá chỉ có 1.000 đồng/kg nên vừa bán người dân vừa đem đổ bỏ.
Ông Nguyễn Văn Tuất, Chủ tịch Hội Nông dân xã Văn Đức (H.Gia Lâm, Hà Nội), cho rằng để không còn “giải cứu” thì khó nhất hiện nay là tổ chức người dân sản xuất, cơ cấu hợp lý các loại rau theo nhu cầu thị trường. Các loại rau phải “giải cứu”, giá rẻ khi người dân trồng quá nhiều.
|
Ông Tuất thông tin, tại Văn Đức, địa phương định hướng trồng hơn 20 loại rau theo các mùa vụ khác nhau. Nhưng vụ đông, nông dân chỉ tập trung vào nhóm chính: su hào, bắp cải, cải thảo, cải ngọt chiếm đến 60 - 70% sản lượng, dẫn tới dư thừa mất giá trong khi nhiều loại rau khác giá bán vẫn cao.
“Chúng tôi chỉ có thể tuyên truyền, còn đất đã giao, nông dân trồng loại gì thì không thể can thiệp được. Thực tế, nhiều hộ chỉ chuyên canh trồng một loại rau, đơn giản là theo thế mạnh và kinh nghiệm của họ mà thôi. Để cơ cấu lại, chính quyền địa phương phải vào cuộc, tìm cách kết nối với doanh nghiệp trong sản xuất, liên kết chế biến thì mới mong có đầu ra ổn định được”, ông Tuất nói.
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, nông sản chế biến của Việt Nam hiện chỉ chiếm 12%, nhưng chủ yếu là hoa quả. Rau quả Việt Nam chủ yếu được bán qua Trung Quốc với tâm lý "cứ bán qua biên giới là xong" nên thương lái, doanh nghiệp gần như không có nghiên cứu, tìm hiểu thị trường để chế biến.
Trong khi, Trung Quốc nhập khẩu nhiều loại nông sản (mít, khoai lang) từ Việt Nam để chế biến thành những sản phẩm tinh bột xuất khẩu giá trị cao hơn. Cũng theo ông Thủy, nếu không quy hoạch được vùng chuyên biệt, sản xuất của nông dân liên kết với doanh nghiệp, để xây dựng thị trường, tạo vùng nguyên liệu chế biến, thì nông sản Việt Nam sẽ vẫn còn có nhiều cuộc giải cứu nữa!
Cần một kịch bản sẵn cho "giải cứu"Trao đổi với Thanh Niên, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, nhìn nhận câu chuyện "giải cứu" hàng nông sản ở Việt Nam đã là “chuyện thường ngày ở huyện”, kéo dài nhiều năm nhưng chưa khắc phục được một cách cơ bản.
“Nguyên nhân chính đầu tiên là bởi sản xuất hàng hóa nông sản ở Việt Nam hiện nay ngày càng tăng trưởng và khối lượng rất lớn theo từng mùa vụ, là nguồn cung cho tiêu thụ nội địa và xuất khẩu rất dồi dào nhưng hệ thống phân phối, sự liên kết giữa các vùng miền, hạ tầng vận chuyển, chi phí logistic đã gây thêm những khó khăn cho hàng nông sản Việt”, ông Phú nói.
Thứ 2, theo ông Phú, hàng hóa sản xuất ra mới chỉ có 10% vào được siêu thị, mặc dù phải qua rất nhiều “cửa ải”, chi phí khiến không ít trường hợp rau sạch, rau an toàn phải “dội ngược” trở lại thị trường tự do, bán lẫn với rau không sạch với giá tương đương.
“Tuy nhiên, năm nay tình trạng khó khăn hơn là có thêm nguyên do của dịch Covid-19. Dịch kéo dài cả năm khiến sức mua cũng giảm. Trong khi đó, nhiều địa phương lại phong toả, ngăn cấm khiến tiêu thụ, nhất là hàng xuất khẩu càng khó, như câu chuyện Hải Phòng với Hải Dương”, ông Phú dẫn chứng và cho rằng “chính ta tự hại ta”, bởi nông sản có tính thời vụ rất cao, toàn hàng ngắn ngày nhưng khi ùn ứ thì nhiều bộ ngành, địa phương cứ “công văn lên xuống, qua lại”.
“Qua việc giải cứu nông sản ở Hải Dương cho ta thấy, cần có những kịch bản sẵn cho những tình huống cần giải cứu hàng hóa lúc có dịch hay cả không có dịch, vì nó có thể xảy ra ở bất cứ địa phương nào. Khi đó, cứ theo kịch bản mà làm để giảm bớt các công văn báo cáo, tốn thời gian chi phí và thiệt hại cho nông dân. Ngay trong năm 2021 thôi, không ai khẳng định là không còn chuyện "giải cứu" nông sản. Chính vì vậy, các bộ ngành, các địa phương cần phải rút ra những bài học cho những tình huống tương tự”, ông Phú nói.
|
Bình luận (0)