Làn sóng 'di cư' sàn niêm yết

26/08/2018 11:03 GMT+7

6 tháng đầu năm nay có gần 20 doanh nghiệp thực hiện việc thay đổi sàn niêm yết chứng khoán và dự báo hoạt động này sẽ diễn ra nhiều hơn.

Lý do chung nhất của nhiều doanh nghiệp khi chuyển sang sàn TP.HCM (HOSE) là sẽ giúp thanh khoản của cổ phiếu gia tăng và kỳ vọng giá cổ phiếu tăng theo.  
Chẳng hạn tháng 5 vừa qua, Công ty cổ phần Đạt Phương (DPG) đã chuyển toàn bộ gần 30 triệu cổ phiếu từ UPCoM sang HOSE. Thông tin chuyển sàn cũng giúp cổ phiếu này tăng giá khá mạnh trước đó, từ mức quanh 40.000 đồng đạt đỉnh 69.000 đồng/cổ phiếu vào giữa tháng 3 qua. Dù hiện nay giá DPG giảm còn 46.300 đồng/cổ phiếu nhưng vẫn cao hơn giá khi lên chào sàn UPCoM vào đầu năm 2017. 
Tương tự, cổ đông của Công ty cổ phần đông lạnh KIDO đã thống nhất dừng đăng ký giao dịch 56 triệu cổ phiếu KDF trên UPCoM để chuyển niêm yết lên HOSE. Thời gian thực hiện dự kiến trong khoảng từ tháng 10.2018 đến tháng 4.2019. Theo Ban lãnh đạo KIDO, việc niêm yết trên HOSE sẽ giúp cổ phiếu của doanh nghiệp tiếp cận với nhiều nhà đầu tư hơn, phản ánh đúng giá trị và gia tăng tính thanh khoản, tối đa hóa giá trị đầu tư cho cổ đông. Hiện KDF đang giao dịch trên UPCoM có giá 27.000 đồng/cổ phiếu.
Hay cổ đông Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Phú (MPC) cũng thông qua kế hoạch trở lại giao dịch trên HOSE sau khi thực hiện mở room ngoại lên 100%. Trước đó Minh Phú phải hủy niêm yết tự nguyện trên HOSE do bị hạn chế room ngoại nên lần này công ty đặt mục tiêu xây dựng sự minh bạch, thoát khỏi hình ảnh công ty gia đình, từ đó huy động vốn đầu tư cho các dự án lớn. Cổ phiếu MPC trên UPCoM đang có giá 38.000 đồng.
Còn Tập đoàn Lộc Trời (LTG) cũng đang bàn về phương án chuyển sang HOSE niêm yết trong năm nay hoặc đầu năm 2019. LTG đang giao dịch trên UPCoM với giá 39.500 đồng/cổ phiếu...
Đặc biệt, làn sóng chuyển sàn niêm yết dự báo ngày càng nhiều khi các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn nhà nước đã cổ phần hóa và đang tạm dừng chân trên UPCoM trước đó. Ví dụ hãng hàng không Vietnam Airlines đã thống nhất cuối năm nay đưa cổ phiếu HVN lên niêm yết tại HOSE. Cổ phiếu HVN đã giao dịch trên UPCoM từ đầu năm 2017 và hiện có giá 39.200 đồng/cổ phiếu nhưng nhiều nhà đầu tư chưa mặn mà và vẫn chờ ngày doanh nghiệp này chào sàn HOSE. 
Bản thân Tổng công ty cổ phần Điện lực Dầu khí Việt Nam - PV Power cũng rục rịch trình kế hoạch chuyển lên niêm yết trên HOSE dù mới đưa cổ phiếu lên UPCoM từ tháng 3 năm nay. Hiện cổ phiếu POW của doanh nghiệp này trên UPCoM có giá 13.100 đồng/cổ phiếu...
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng có xu hướng chuyển từ sàn Hà Nội vào TP.HCM như cổ phiếu VPI của Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest vừa niêm yết trên sàn Hà Nội từ tháng 11.2017 song đến cuối tháng 6.2018 đã nhanh chóng chuyển qua HOSE. Một số doanh nghiệp khác đã có sự chấp thuận của cổ đông để chuyển sàn như Tổng công ty Viglacera, Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PVS), Công ty cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings (PHC) và Công ty cổ phần Cà phê Thương Phú (CHP)...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.