Sáng hôm nay (3.3), hơn 20 người, đại diện cho gần 100 nhà cung cấp đến trụ sở văn phòng của Công ty Cổ phần Leflair (sở hữu trang thương mại điện tử chuyên kinh doanh hàng hiệu Leflair) gặp đại diện của Leflair kết toán công nợ.
Doanh nghiệp nói nợ… 2 triệu USD, nhà cung cấp nói tố nợ trăm tỉ đồng
Tuy nhiên, ông Pierre Antoine Brun - Phó Tổng giám đốc của Leflair không cho các nhà cung cấp vào trong văn phòng do… không có hẹn. Tất cả chỉ đứng ngoài cửa, ngay tiền sảnh của công ty tại tầng 16 tòa nhà Viettel (285 CMT8, P.12, Q.10) để trao đổi nhanh. Ông Pierre Antoine Brun cho biết, ông được ủy quyền bởi ông Loic Erwan Kevin Gautier - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Leflair để “làm việc và thảo luận các nội dung về công nợ với các đối tác” và hẹn sang tuần sẽ có buổi làm việc tiếp. Ông này cũng từ chối trả lời các thắc mắc khác.
Được biết, hiện có gần 500 nhà cung cấp hàng cho Leflair, nhưng mới hơn 100 nhà cung cấp tham gia vào nhóm “công nợ Leflair” với công nợ tính đến ngày họp với đại diện Leflair (ngày 26.2) là gần 40 tỉ đồng tiền hàng (tính trên giá mua vào của Leflair).
|
Các nhà cung cấp cho biết, doanh số bán ra của Leflair trong tháng 11 và 12.2019và tháng 1 năm nay khoảng 30 tỉ đồng mỗi tháng. Tương ứng tổng doanh thu của 3 tháng trước Tết Nguyên đán của công ty xấp xỉ gần 100 tỉ đồng. Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Thị Kiều Dung, đại diện Công ty TNHH Một thành viên Ngân Thành Tâm, chuyên kinh doanh hóa mỹ phẩm nhãn hàng Organia cho biết: “Mấy hôm nay, nhà cung cấp nào lên trực tiếp mới được xác nhận công nợ. Ngay bản thân tôi đây, đã lên văn phòng… 7 lần chỉ để làm việc. Họ nợ chúng tôi tiền hàng hơn 2 tháng hơn 80 triệu đồng nhưng tinh thần là rất khó lấy vì ngay chính ông người Pháp đại diện đang làm việc với các nhà cung cấp chỉ là điều hành, không có cổ phần trong công ty này và hứa hẹn nhiều rồi”.
|
Bà Thảo - đại diện hộ kinh doanh Minh Phúc (chuyên cung cấp nữ trang các nhãn hàng Zen, Lily, Desfleur, Cami, Miss Candle) kể, bà là một trong những nhà cung cấp “theo chân” Leflair từ sau khi công ty này tuyên bố đóng cửa, nhưng đến nay, khoản nợ gần 280 triệu đồng vẫn chưa lấy được. “Bên tôi là hộ kinh doanh, thường hàng họ bán xong, 30 ngày công ty mới gửi báo cáo bán hàng (sales report) về, chúng tôi xuất hóa đơn rồi chờ 15 - 20 ngày sau tiền mới về. Thế nên, trước Tết, xuất hóa đơn xong chờ, ra Tết họ tuyên bố đóng cửa, “trở tay” không kịp, không thể thu hồi nợ được”. Không chỉ nợ nhà cung cấp, tiền lương của nhân viên cũng đang bị công ty này nợ chưa trả được.
Trong hai lần làm việc với nhà cung cấp sau đó, đại diện Leflair cho biết số công nợ mà công ty chưa xử lý với hàng trăm nhà cung cấp lên đến… 2 triệu USD.
Tiền bán hàng "chạy" đi đâu ?
Trao đổi với chúng tôi ngay trước sảnh văn phòng của Leflair, các nhà cung cấp cho biết, hôm nay (3.3) những người đến đây bị nợ số tiền từ vài chục triệu đến trên 400 triệu đồng. Nhưng còn rất nhiều nhà cung cấp nội thất, chăn nệm cao cấp bị nợ từ 1-2 tỉ đồng tiền hàng nữa. “Với hơn 500 nhà cung cấp, số tiền nợ phải lên hàng trăm tỉ đồng, không dừng lại con số 2 triệu đô như Leflair nói”, bà Hương - nhà cung cấp thời trang nhập khẩu từ Pháp cho biết.
|
Trong hai biên bản làm việc giữa các nhà cung cấp và Leflair sau khi công ty này tuyên bố đóng cửa, đại diện Leflair đều có cam kết sẽ thanh toán công nợ đầy đủ. “Trong tuần sau, bắt đầu từ Thứ 3 ngày 11.2.2020, bắt đầu tiến hành thanh toán đầu tiên cho các nhà cung cấp”, biên bản ngày 7.2 ghi và nhấn mạnh, nhà cung cấp và Leflair sẽ họp vào ngày 11.2 về nội dung phương án thanh toán công nợ chi tiết như đã cam kết. Tuy nhiên, đến ngày 11.2, nội dung biên bản cũng chỉ dừng lại “cam kết thanh toán các khoản nợ khi được các nhà đầu tư/ đối tác giải ngân các khoản tiền liên quan”.
|
Đại diện một doanh nghiệp cung ứng hàng thời trang bức xúc : “Hàng của chúng tôi họ đã bán, đã lấy tiền mà số tiền cao gấp đôi tiền họ phải trả cho chúng tôi. Vậy tiền đó đi đâu nay lại bảo chở nhà đầu tư giải ngân? Vậy họ lấy tiền hàng của chúng tôi đi trả cho khoản khác à?”
Từ ngay sau Tết nguyên đán, đầu tháng 2 năm nay, website Leflair đột ngột thông báo đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh tại thị trường VN. Đơn vị này giải thích lý do tạm ngừng kinh doanh do gặp nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn vốn.
Hiện các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đang bị Leflair nợ tiền hàng đã gửi đơn thư tố cáo Công ty CP Leflair đến Đại sứ quán Pháp, Công an TP.HCM, Cục quản lý xuất nhập cảnh TP.HCM, Công an Q.10, Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM, Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) để nhờ can thiệp.
Bình luận (0)