Lỡ 'cơ hội vàng' nâng cấp đường băng Nội Bài, Tân Sơn Nhất

19/03/2020 07:34 GMT+7

Sự “vắng lặng” tại sân bay Nội Bài (Hà Nội), Tân Sơn Nhất (TP.HCM) do dịch Covid-19 đang là cơ hội vàng để đẩy nhanh sửa chữa, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn tại đây.

Thế nhưng, dự án nâng cấp, sửa chữa 2 sân bay này sẽ phải tiếp tục chờ thủ tục.

Từ cấp bách sang ì ạch

Bộ GTVT từ đầu năm 2018 - 2020 đã nhiều lần có văn bản khẩn cấp đề nghị Chính phủ bố trí vốn để cải tạo, nâng cấp hệ thống đường băng (cất hạ cánh), đường lăn tại cảng hàng không (CHK) quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất.
Lý do, hệ thống đường cất hạ cánh và đường lăn của 2 CHK này đã khai thác vượt tần suất thiết kế, dẫn tới bị xô dịch, gãy vỡ, hằn lún mặt đường, phùi bùn tại các khe co giãn, bong bật, nứt vỡ các tấm bê tông… Đặc biệt, việc tiếp nhận nhiều máy bay thế hệ mới với tải trọng và áp suất bánh hơi lớn như A350-900, B787-9 khiến từ năm 2017 đến nay, hệ thống sân đường khu bay Tân Sơn Nhất bị xuống cấp ngày càng nghiêm trọng. Tương tự, đường cất hạ cánh 1B và các đường lăn nối bằng bê tông xi măng Nội Bài cũng đã bị quá tải và hư hỏng nặng.
Dù đơn vị đang quản lý, khai thác là Tổng công ty CHK Việt Nam (ACV) đã tự bỏ kinh phí để khắc phục tạm thời các điểm hư hỏng, nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế. Theo ACV, nếu không sớm đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống đường băng, đường lăn, sẽ làm tăng nguy cơ mất an toàn khi khai thác, thậm chí phải đóng cửa đường băng.
Mới nhất, tháng 1.2020, Bộ GTVT tiếp tục đề nghị Thủ tướng xem xét, bổ sung danh mục và bố trí kế hoạch vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 950 tỉ đồng, phần vốn còn lại sẽ bố trí kế hoạch vốn ngân sách nhà nước trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 3.202 tỉ đồng.
Dự án được xem là cấp bách này đã kéo dài hơn 2 năm vẫn chưa được xem xét bố trí vốn. Lý do, đề xuất của ACV sử dụng nguồn vốn tự có của doanh nghiệp từ chênh lệch thu - chi trong khai thác hạ tầng khu bay không được Bộ Tài chính đồng thuận, vì vướng mắc nhiều luật hiện hành như luật Quản lý, sử dụng tài sản công, luật Ngân sách nhà nước, luật Đầu tư công…
Trong khi đó, việc bố trí vốn ngân sách cho dự án cũng gặp khó, vì dự án không có trong danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 từ nguồn ngân sách nhà nước của Bộ GTVT, cũng không thuộc danh mục dự kiến sử dụng dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

Chậm ngày nào, nguy cơ cao ngày đó

Câu trả lời cho bế tắc vốn đã phần nào được khơi thông hôm 16.3, khi Ủy viên Bộ Chính trị - Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đồng ý bố trí nguồn vốn đầu tư công theo quy định để sớm triển khai dự án. Đồng thời, giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan liên quan khảo sát, đánh giá, thẩm định để lập hồ sơ xác định tính cấp bách của nhiệm vụ này. Trong đó, Bộ GTVT tính toán, xác định nhu cầu vốn cụ thể; rà soát, điều chỉnh trong tổng số vốn đã được giao trong kế hoạch năm 2020 để cân đối vốn cho dự án.
Với số vốn còn thiếu cần bổ sung, Phó thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp các bộ, ngành tổng hợp chung trong phương án phân bổ sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2019, bảo đảm phù hợp với khả năng giải ngân của dự án, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT thực hiện việc bổ sung danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đối với dự án theo đúng quy định.
Trả lời Thanh Niên, Chủ tịch HĐTV ACV Lại Xuân Thanh cho rằng việc bố trí vốn ngân sách đã gỡ vướng được cho dự án rất nhiều. “Khu bay của Nội Bài, Tân Sơn Nhất đã được Cục Hàng không đưa vào diện giám sát đặc biệt.
Hằng tuần, chúng tôi đều phải có báo cáo cập nhật lên Cục về các hư hỏng đường cất hạ cánh, đường lăn. ACV cũng liên tục tiến hành sửa chữa hư hỏng, nhưng chỉ được một thời gian lại tiếp tục xuống cấp. Hư hỏng tại 2 sân bay này rất nghiêm trọng, phải tiến hành cải tạo, nâng cấp toàn bộ mới đảm bảo an toàn, chậm ngày nào nguy cơ mất an toàn ngày đó”, ông Thanh nói.
Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ đang giao cho Vụ KH-ĐT tính toán, xác định nhu cầu vốn cụ thể trong năm 2020 để báo cáo, sớm triển khai dự án. Tuy nhiên, theo một cán bộ trong ngành hàng không, các thủ tục xác định, bố trí được vốn sẽ mất ít nhất 3 - 6 tháng, như vậy đến cuối năm nay, nếu thuận lợi dự án mới có dòng vốn đầu tiên để triển khai.
Song đồng nghĩa với đó, cơ hội vàng để tranh thủ sửa chữa lớn khi 2 sân bay vắng khách mùa dịch đã không còn. Việc sửa chữa vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau, khi thị trường hàng không hồi phục, cũng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động của cả 2 sân bay.

Xem xét tăng phần vốn nhà nước tại ACV

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cũng giao Bộ GTVT chủ trì, đánh giá xem xét các phương án, trong đó tính tới giao ACV quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do nhà nước đầu tư, quản lý (gồm đường cất hạ cánh và đường lăn tại CHK quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất ) theo hình thức đầu tư tăng vốn nhà nước tại ACV. Từ đó, tăng vốn điều lệ của ACV trên cơ sở cổ đông nhà nước góp vốn bằng tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do nhà nước đầu tư, quản lý, không tính vào giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa ACV, bảo đảm phù hợp với quy định pháp luật và chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Hai là, việc đầu tư đường cất hạ cánh và đường lăn tại các CHK theo hình thức đầu tư đối tác công tư. Ba là, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng giao ACV chịu trách nhiệm đầu tư, duy tu, bảo dưỡng hạ tầng khu bay.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.