Đích đến đầu tiên là VWS, đơn vị mà lâu nay không ít người dân, nhất là khu vực Q.7, khu đô thị Phú Mỹ Hưng cho là “thủ phạm” chính trong việc phát tán mùi hôi. Đoàn tổ chức giám sát đã cho người dân tìm hiểu về việc xử lý môi trường tại đây với thời gian lâu nhất - khoảng hơn 3 giờ (từ 7 giờ đến hơn 10 giờ).
Ý kiến trái chiều sau khi lên bãi rác
Theo chân đoàn giám sát lên nơi tập kết rác để xử lý của VWS, hầu hết các nhà báo đều có nhận định mùi hôi tại bãi rác chỉ thoang thoảng, không nặng mùi. Mặc dù vậy, chúng tôi cũng đồng quan điểm là trong một thời điểm nhất định chưa thể đánh giá một cách toàn diện mức độ “nặng nhẹ” của mùi hôi. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với người dân xung quanh VWS, hầu hết cho rằng: hằng ngày họ sống gần đây và sau khi lên tận bãi rác tìm hiểu thì khí thải nặng mùi mà họ ngửi được lâu nay không phải là do VWS gây ra. Ông Đỗ Văn Hổ (ấp 1, xã Phong Phú, H.Bình Chánh) cho biết: “Nhiều người đổ thừa cho bãi rác, nhưng tôi thấy bãi rác hoàn toàn tốt”. Ông Huỳnh Văn Đồng nhà gần ông Hổ cũng chia sẻ: “Nhà tôi ở giáp ranh bãi rác. Rác phải có mùi chua, nhưng tôi không nghe mùi chua mà nghe mùi thối. Mùi này là mùi phân. Bãi rác năm nay xử lý như vậy là quá tốt rồi. Lên tận nơi cũng thấy mùi vị gì đâu”. Ông Nguyễn Văn Tưởng (xã Phước Kiểng, H.Nhà Bè) bổ sung: “Đổ lỗi cho bãi rác Đa Phước cũng quá đáng. Lên tới bãi rác có nghe mùi đâu. Họ còn đưa nước đã xử lý từ nhà máy này uống, cũng uống”. Ông Nguyễn Thành Mỹ (tổ 16, ấp 1, xã Phong Phú, H.Bình Chánh) cho biết thêm: “Hôm nay tôi được đi tham quan bãi rác, được tận mắt thấy tai nghe. Tôi cho rằng họ đã xử lý tốt 95% rồi. Các nhà máy ở khu vực này làm sao y chang như vậy để trả lại không khí trong lành cho chúng tôi”.
Trong khi những người dân ở khu vực lân cận bãi rác có đánh giá về VWS như vậy, ngược lại đa số những cư dân ở Q.7 vẫn cho rằng VWS có “can dự” trong chuyện phát tán mùi hôi. Ông Trần Thanh Tâm, Trưởng ban quản lý chung cư Era Town thống nhất ý kiến người dân Q.7 về phản ánh mùi hôi xuất phát từ VWS. Tuy nhiên, ông cũng nhận định: “Hôm nay được tham quan Nhà máy VWS, tôi thấy công ty đã nỗ lực, cố gắng hạn chế mùi hôi”. Ông Tâm kiến nghị Công ty VWS nên áp dụng các biện pháp để giảm tối thiểu mùi hôi phát tán vào môi trường. Còn bà Tô Hồng Trang (Q.7) thì gay gắt hơn: “Với núi rác cao như vậy và ở đây ghi nhận là mười mấy triệu tấn rác thì không thể nào không gây ra mùi hôi thối, không thể nào không gây ra ô nhiễm. Việc tổ chức cho người dân tham quan một thời điểm trong ngày không phản ánh hết vấn đề mùi hôi”. “Khi anh đầu tư vào một đất nước, vào một thành phố, các anh phải đưa ra công nghệ phù hợp. Tại sao công ty chưa đưa những công nghệ tiêu hủy rác mà vẫn tiếp tục chôn lấp? Yêu cầu phải có công nghệ xử lý rác khác thay cho việc chôn lấp”, bà Trang nói thêm.
Vùng “nặng mùi” đã tạm thời xác định
Nếu xác định mùi hôi thối trong thời điểm đoàn giám sát đi tìm hiểu thì Công ty Sài Gòn Xanh và Công ty Hòa Bình là hai nơi có phát tán mùi hôi. Vào khu xử lý bùn của Công ty Sài Gòn Xanh và phân hầm cầu của Công ty Hòa Bình, ông Nguyễn Thành Mỹ (xã Phong Phú) bịt mũi nói: “Mùi hôi là ở đây!”. Còn ông Phạm Văn Hai (Phước Kiểng, Nhà Bè) thì vội vã chạy ra ta thán: “Mùi hôi thối là ở đây ra, mệt mỏi quá!”. Nhiều người dân ở H.Nhà Bè, H.Bình Chánh còn nói không chỉ hôm nay đi giám sát mới biết mà từ lâu nay mùi hôi thối bốc ra từ hai công ty trên.
|
Ông Hoàng Giáng Sinh, Phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Xanh, giải thích mùi hôi là do quá trình chuyên chở, tiếp nhận bùn thải. Nhưng bà Tô Hồng Trang (Q.7) phản bác: “Mùi hôi là xuất phát ngay khu vực xử lý bùn thải khi đến giám sát tại nhà máy này. Ngồi trên xe nhưng cửa xe mở thì mùi xộc vào rất nồng nặc...”.
|
Trước khi kết thúc buổi giám sát, ông Lê Trung Tuấn Anh, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, phát biểu: “Không riêng gì bên Công ty xử lý chất thải rắn Việt Nam, các công ty tại toàn liên khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước cũng đã được thành phố định hướng phải có những đầu tư phù hợp với đặc điểm xử lý chất thải của TP. Ngoài ra TP còn định hướng công nghệ phải đáp ứng được yêu cầu hiện đại và đảm bảo về mặt bảo vệ môi trường. Về nguyên tắc chung, các công ty này phải cần có đánh giá điều chỉnh công nghệ phù hợp theo định hướng của TP.
VWS nói về việc thay đổi công nghệ
Chúng tôi cho rằng ý kiến của người dân về việc thay đổi công nghệ xử lý rác phù hợp với hiện trạng rác của TP.HCM hiện nay là hoàn toàn hợp lý. Sau hơn 10 năm xử lý rác tại quê nhà, chúng tôi quá hiểu đặc thù rác của Việt Nam. Đó là những loại rác hỗn hợp không hề được phân loại tại nguồn. Vì thế, phải có một công nghệ mới tối ưu hơn để không chỉ xử lý hữu hiệu loại rác này nhằm bảo vệ môi trường tốt hơn mà còn có thể biến rác thành các sản phẩm khác đem lại nhiều lợi ích khác. Nhiều năm qua, đội ngũ chuyên gia của chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu tất cả công nghệ xử lý rác ở châu Âu và Mỹ… rồi chọn ra từng công nghệ tốt nhất cho từng khâu để ráp thành nhà máy trong tương lai. Chúng tôi đã đệ trình dự án thay đổi công nghệ này lên thành phố hơn một năm qua và rất nóng lòng chờ phê duyệt để xây dựng nhà máy theo công nghệ mới này. Nếu được phê duyệt, trong vòng hơn một năm nhà máy sẽ đi vào hoạt động - ông David Dương - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam.
|
Bình luận (0)