Ngân hàng 0 đồng hiện đều đã có đề án tái cơ cấu trình lên Chính phủ, nhưng vì những hạn chế trong luật cũ nên chưa được hiện thực hóa, nay luật Tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi sẽ gỡ các nút thắt và cơ hội để hiện thực hóa đề án tái cơ cấu ngân hàng được phê duyệt.
Là một trong những TCTD thuộc phạm vi điều chỉnh của luật, với các ngân hàng 0 đồng, đây chính là cơ hội để hiện thực đề án tái cơ cấu các ngân hàng này. Nếu như trước đây về tiền lệ, chưa có đủ công cụ pháp lý, thì nay, hành lang pháp lý đã sáng rõ khi áp dụng luật sửa đổi, bổ sung… Theo đó, việc cơ cấu lại các TCTD đã được kiểm soát đặc biệt hoặc đang thực hiện phương án xử lý được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc ngân hàng thương mại đã được mua bắt buộc trước ngày luật này có hiệu lực được tiếp tục thực hiện theo phương án đã được phê duyệt.
Mấu chốt của Luật TCTD với định hướng tái cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu trong giai đoạn 2016-2020, trong đó, trọng tâm là các biện pháp hỗ trợ cho các TCTD yếu kém. Luật Sửa đổi bổ sung có giải pháp cho bán nợ cho Công ty quản lý tài sản VAMC, trích lập dự phòng, hỗ trợ. Các TCTD được mua bắt buộc có thể bán nợ xấu không có tài sản bảo đảm hoặc nợ xấu có tài sản bảo đảm mà tài sản bảo đảm đang bị kê biên, không có hồ sơ, giấy tờ hợp lệ cho tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng… được quy định rõ trong luật, đảm bảo minh bạch.
Và với Luật TCTD sửa đổi, “cánh cửa” mở cho các giải pháp phương án phục hồi được định hướng rõ nét. Tại điều 148b Luật sửa đổi nêu các biện pháp hỗ trợ thực hiện phương án phục hồi với những TCTD được mua bắt buộc. Theo đó, các TCTD này có thể được Chính phủ cấp thêm vốn, được Chính phủ cho vay dài hạn với lãi suất 0%, được vay tái cấp vốn của NHNN với lãi suất 0%; được vay đặc biệt NHNN với lãi suất 0%; được nhận tiền gửi hoặc vay của TCTD hỗ trợ với mức lãi suất ưu đãi, được mua nợ, trái phiếu doanh nghiệp do tổ chức tín dụng hỗ trợ nắm giữ đang được phân loại nhóm nợ đủ tiêu chuẩn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước …
Những quy định sáng rõ trong hành lang pháp lý của Luật TCTD sửa đổi, bổ sung, đối với các ngân hàng 0 đồng vẫn đang chờ đợi tháo gỡ được các nút thắt thì đây có thể là cánh cửa mở cho con đường mới trên hành trình tái cơ cấu.
Năm 2015, Ngân hàng Nhà nước tiến hành mua bắt buộc 3 TCTD trong đó có CB (Ngân hàng Xây Dựng). Do hạn chế thiếu công cụ, hành lang pháp lý trong Luật TCTD cũ nên đề án tái cơ cấu các TCTD này tuy đã được trình lên Chính phủ nhưng chưa được triển khai. Ngày 20.11.2017 vừa qua, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật TCTD sửa đổi, bổ sung. Các ngân hàng 0 đồng đón chờ cơ hội mới, khi đạo luật quan trọng tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các giải pháp của Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 chính thức đi vào đời sống.
|
Bình luận (0)