Bà Lê Thị Thu Hòa (ở thôn Long Bình, xã Bình Long, H.Bình Sơn) cho biết từ cuối tháng 3.2021, đàn bò 6 con của gia đình bà bỗng nhiên nổi u cục trên da, khớp chân bò sưng to. Bò từ đó biếng ăn, rồi bỏ ăn. Gia đình bà Hòa lo lắng nên báo cho cán bộ thú y xã Bình Long đến kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm. Để trị bệnh cho đàn bò, bà Hòa nhờ cán bộ thú y tiêm thuốc, hướng dẫn rải vôi và làm vệ sinh xung quanh chuồng trại. Thế nhưng bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên bò vẫn không bớt, trong đó có một con bê không ăn, không bú sữa nên chết yểu.
Tương tự, ông Phạm Ngọc Sen (cùng xã Bình Long) mấy ngày nay mất ăn mất ngủ vì bò nuôi của gia đình cũng bị VDNC. Nhà nông làm lúa chỉ đủ gạo ăn, chăn nuôi gia súc, gia cầm kiếm thêm lợi nhuận. Nếu lỡ bò bị chết, xem như vài chục triệu đồng và công sức bỏ sông bỏ suối. Vì vậy, khi phát hiện bò bị bệnh, ông Sen đã tự vệ sinh, phun thuốc khử trùng chuồng trại. Thấy bò không ăn, ông nấu cháo loãng, mua sữa về cho uống, có lúc phải vạch mồm bò ra đổ sữa vào, sợ chúng sút cân.
Theo thống kê đến ngày 12.4, toàn H.Bình Sơn có 954 con bò của 629 hộ mắc bệnh, xuất hiện ở 64 thôn/20 xã, trong đó đã có 24 con bò mắc bệnh bị chết. Ông Lê Đăng Khoa, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp H.Bình Sơn, cho biết từ khi bệnh VDNC trên bò bùng phát, địa phương đã tập trung cán bộ và người dân điều trị cho bò nhiễm bệnh. Đơn vị đã hướng dẫn người dân chăm sóc bò, vệ sinh chuồng trại, nấu cháo, mua sữa cho bò ăn để bổ sung chất dinh dưỡng, sức đề kháng. Việc điều trị cho bò bị bệnh, theo ông Khoa, là tốn kém và công phu.
Trong khi đó, Phòng NN-PTNT H.Bình Sơn cho biết đây là lần đầu tiên địa phương xuất hiện bệnh này trên gia súc. Trâu và bò mắc bệnh này có dấu hiệu sốt cao (có thể trên 41oC), bỏ ăn suy nhược, viêm khớp, sẩy thai, viêm phổi, viêm mũi, viêm kết mạc và tiết nhiều nước bọt; sưng hạch và xuất hiện nhiều u, cục trên bề mặt da. Để hỗ trợ người dân chăm sóc, điều trị bệnh VDNC trên gia súc, H.Bình Sơn đã bố trí trên 875 triệu đồng mua vắc xin phòng bệnh cấp phát cho 22 xã, thị trấn tiêm thuốc, phòng chữa trị. Ngoài ra, địa phương còn cấp phát 3.000 lít hóa chất benkocid thực hiện phun thuốc sát trùng tại các chuồng trại chăn nuôi, xung quanh khu vực có bò bị dịch bệnh.
Một lãnh đạo Phòng NN-PTNT H.Bình Sơn cho biết tình hình bệnh VDNC trên bò còn diễn biến phức tạp, khả năng lây lan còn rất cao. Vì vậy, người dân chăn nuôi bò, trâu trong vùng dịch bệnh cần vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, dùng hóa chất tiêu độc khử trùng như: benkocid, Iotdine, vôi nông nghiệp. Đồng thời sử dụng các thuốc đặc hiệu để tiêu diệt côn trùng, ruồi, muỗi, ve, mòng như: Deltox, Hantox 200, five Tox… Người dân không chăn thả trâu, bò tại những vùng nguy cơ lây dịch, bổ sung dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng cho con vật, cung cấp đủ nguồn nước sạch cho trâu bò, không bán chạy trâu, bò bị bệnh…
Bình luận (0)