Mệt với ví điện tử

08/10/2019 06:34 GMT+7

Ví điện tử đang phát triển mạnh với những tân binh “nặng ký” trên thị trường, nhưng bên cạnh sự thuận tiện, người sử dụng đã bắt đầu “ngạt thở” khi phải “mang” quá nhiều ví trên máy điện thoại.

Mỗi ví một nhiệm vụ

Bỏ hạn mức giao dịch ví điện tử 20 triệu đồng/ngày

Theo thông tin từ NHNN, dự thảo Thông tư 39/2014 hướng dẫn về trung gian thanh toán tiếp thu ý kiến sửa đổi theo hướng bỏ quy định hạn mức giới hạn giao dịch 20 triệu đồng/ngày như trước, giữ lại hạn mức giao dịch 100 triệu đồng/tháng nhằm tạo thuận lợi cho người sử dụng. Theo thống kê của NHNN, giá trị giao dịch bình quân thực tế của một ví điện tử là 58.870 đồng/giao dịch và 1,7 triệu đồng/tháng. Do đó, hạn mức 100 triệu đồng/tháng của ví điện tử được xem là cao đối với những hoạt động thanh toán nhỏ lẻ như mua sắm đồ ăn, thanh toán tiền điện thoại, điện nước.
 
Bà Nga (Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết, trong điện thoại của bà hiện cài 3 app ví điện tử gồm Moca để sử dụng dịch vụ xe công nghệ Grab, đặt thức ăn; ví MoMo để xem phim và trả tiền điện, bảo hiểm, mua đồ... “Tôi mới tải thêm ZaloPay để trả tiền điện vì tiền điện hay báo qua Zalo nên thuận lợi hơn”, bà Nga cho biết và giải thích mỗi ví điện tử có những chương trình khuyến mãi riêng, sử dụng thanh toán mỗi dịch vụ khác nhau… nên muốn tận dụng tối đa thì phải cài nhiều app.
“Nếu một ví có thể sử dụng cho tất cả các dịch vụ thì tiện biết mấy”, bà Nga nói.
Theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương), VN là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng thanh toán điện tử cao nhất thế giới với tốc độ khoảng 35%/năm. Đi cùng theo đó là các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt phát triển, trong đó có ví điện tử. Trong vòng 2 năm trở lại đây, một loạt tên tuổi lớn tham gia vào lĩnh vực này tạo ra một cuộc cạnh tranh khốc liệt. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho Công ty cổ phần Giải trí di động (ME CORP) như dịch vụ cổng thanh toán điện tử, dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ, dịch vụ ví điện tử. Sau khi mua lại Monpay của Công ty cổ phần People Care, Công ty cổ phần VinID PAY đã được NHNN cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán với dịch vụ được cấp phép là ví điện tử.
Theo công bố từ NHNN, cho đến hiện nay thị trường có khoảng 32 công ty hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó cung cấp 28 ví điện tử. Một số ví điện tử đang chiếm lĩnh thị trường hiện nay như MoMo, ZaloPay, Payoo, Viettel Pay, Moca... Chỉ riêng MoMo, số lượng ví tính đến nay tăng hơn 2 triệu so với cuối năm 2018, lên hơn 12 triệu ví và dẫn đầu về số lượng trên thị trường hiện nay. Tuy nhiên sự xuất hiện của VinID theo đánh giá của các chuyên gia, có thể thay đổi cục diện thị trường, bởi phía sau VinID là Tập đoàn Vingroup với hệ sinh thái khách hàng khá rất lớn ở nhiều lĩnh vực như mua sắm, y tế, ẩm thực, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng…

Khó chia sẻ

Thực tế, sự phát triển của thị trường thanh toán không tiền mặt, đặc biệt là ví điện tử mang lại các dịch vụ chất lượng, tiện ích cho người tiêu dùng. Chỉ cần ngồi nhà, có thể thanh toán điện, nước, điện thoại... thậm chí có ví còn có chức năng “nhắc” chủ nhân về thời điểm thanh toán, lượng điện dùng nhiều hơn, ít hơn tháng trước... Thế nhưng, việc “mạnh ai nấy chạy” của thị trường ví điện tử hiện nay không khác nhiều so với thị trường ATM cách đây gần 20 năm. Thẻ ATM của ngân hàng nào sử dụng máy ATM, POS của ngân hàng đó, dẫn đến tình trạng đầu tư tràn lan, gây lãng phí và trong nhiều trường hợp, gây bất tiện cho khách hàng khi sử dụng.
Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch của MoMo, giải thích các công ty fintech (công nghệ về tài chính) khác với hệ thống ngân hàng nên việc chia sẻ cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực trung gian thanh toán ví điện tử chưa có nước nào thực hiện. Về mặt kỹ thuật, các công ty fintech xây dựng hệ thống độc lập khác nhau nên không thể cùng chia sẻ. Chẳng hạn như ở Trung Quốc có ví AliPay, WeChat Pay... “Nếu việc chia sẻ giữa các công ty trung gian thanh toán là có lợi thì các nước trên thế giới đã thực hiện. Hơn nữa lĩnh vực fintech có chi phí đầu tư cao, lợi nhuận thấp mà nếu triển khai mô hình cùng chia sẻ thì không còn gì để sống cả”, ông Diệp nói.
Ở góc độ chuyên gia, TS Nguyễn Trí Hiếu, Cố vấn HĐQT Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB), thừa nhận sẽ dẫn đến tình trạng tốn kém đầu tư của công ty mà nhiều khi người dùng ít cũng không hiệu quả, chưa kể người dùng không quản lý được tiền bạc nếu mỗi lần mở ví phải bỏ tiền vào để chi tiêu. Ở nước ngoài, một ví điện tử phổ thông có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, nối kết với nhiều nhà cung cấp, nhiều người bán hàng. Vấn đề ở đây các đơn vị cung cấp ví cần kết nối với nhiều dịch vụ, hàng hóa chứ không theo kiểu độc quyền dịch vụ nào để buộc khách hàng phải mở ví thanh toán.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.