Miếng bánh vài chục tỉ USD từ chợ online

14/05/2021 13:11 GMT+7

Từ mô hình các cửa hàng offline thành công, Walmart- gã khổng lồ trên thị trường phân phối đã lấn sân sang lĩnh vực bán lẻ online trong xu hướng kinh tế số diễn ra mạnh mẽ hiện nay.

Nhu yếu phẩm online đang là xu hướng

Với hơn 5.000 cửa hàng khắp cả nước, Walmart, công ty bán lẻ đa quốc gia đang vận hành chuỗi các đại siêu thị và cửa hàng bách hóa với doanh thu 500 tỉ USD mỗi năm, phục vụ 150 triệu người tiêu dùng đã lấn sân sang lĩnh vực bán lẻ online.
Cụ thể, năm 2018, Walmart đã đầu tư 16 tỉ USD để thâu tóm 77% cổ phần tại Tập đoàn Flipkart, hãng bán lẻ trực tuyến lớn nhất của Ấn Độ. Qua giao dịch này, Walmart đã thâm nhập thị trường thương mại điện tử Ấn Độ - được Morgan Stanley định giá khoảng 200 tỉ USD. Đồng thời, việc thâu tóm Flipkart cũng tạo thêm sức mạnh để Walmart cạnh tranh trên sân chơi thương mại điện tử toàn cầu.
Mua bán online là xu hướng tất yếu trong cuộc CM 4.0 và kinh tế số hiện nay nhưng thực sự bùng nổ khi đại dịch covid- 19 khiến việc mua sắm trực tiếp trở nên khó khăn và rủi ro. Đó chính là lí do, các nhà bán lẻ trong nước đã và đang nỗ lực chuyển đổi xu hướng này.  
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 của Masan Group, ông Danny Le - Tổng giám đốc Tập đoàn tiêu dùng và bán lẻ lớn nhất Việt Nam cho rằng: “Để thúc đẩy việc mua sắm online, cần tập trung vào phục vụ các sản phẩm thiết yếu - những sản phẩm mà người tiêu dùng có nhu cầu sử dụng hằng ngày. Nhu yếu phẩm hiện chiếm 50% thị trường bán lẻ Việt Nam và 25% chi tiêu tiêu dùng của người Việt. Đây là điều Masan đang hướng đến”.
Thực tế ở thị trường Việt Nam, The CrownX (sở hữu 100% vốn VinCommerce – vận hành chuỗi VinMart, VinMart+) có khá nhiều điểm tương đồng với Walmart khi thế mạnh sẵn có của tập đoàn tiêu dùng - bán lẻ này là hệ thống bán lẻ offline quy mô hàng đầu, phủ sóng khắp cả nước (gần 2.500 điểm bán VinMart/VinMart+) và mối quan hệ hợp tác mật thiết với 300.000 điểm bán lẻ truyền thống.
Hơn 1 năm tiếp quản VinCommerce từ Tập đoàn Vingroup, quý 4/2020 là quý đầu tiên VinCommerce có lợi nhuận, đạt 16 tỉ đồng, hướng tới mục tiêu có lợi nhuận trong cả năm 2021.
Theo các chuyên gia, thương mại điện tử là mảnh đất “màu mỡ” cho các nhà đầu tư khi nguồn vốn nội địa và ngoại liên tục đổ vào thị trường này. Sau khi xây dựng kênh bán hàng offline quy mô lớn, nhiều nhà bán lẻ hiện đại đồng loạt công bố lấn sân online.
Các trang thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam hiện nay là Shopee, Tiki, Lazada, Sendo có một điểm chung là đều chưa tập trung vào các nhu cầu thiết yếu, có tần suất sử dụng mỗi ngày như thực phẩm, đồ uống. Các chợ online hiện nay phục vụ chủ yếu cho các nhu cầu không thường xuyên như mỹ phẩm, quần áo, du lịch
Covid-19 bùng bổ, người tiêu dùng hạn chế chi tiêu cho những nhu cầu không thiết yếu. Do vậy, mua sắm thời trang, du lịch, ăn uống bên ngoài có sự sụt giảm rõ rệt. Tương quan với bức tranh trên, các nhà bán lẻ nên chú trọng vào các mặt hàng thiết yếu trên môi trường online. Đây là sự chuyển dịch mà các doanh nghiệp bán hàng online cần phải nhìn thấy” - bà Lê Minh Trang, đại diện Công ty Nielsen lưu ý. 
 

Đừng để mất phần ở "miếng bánh thơm"

Theo báo cáo Thương mại điện tử Đông Nam Á 2020 của Google, Temasek và Bain & Company, thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 tăng 16% và đạt quy mô trên 14 tỉ USD. Dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020 - 2025 của ngành này là 29% và tới năm 2025, quy mô TMĐT nước ta sẽ đạt 52 tỉ USD.
Bà Lê Minh Trang cho rằng, xu hướng mua sắm online trong dịch Covid-19 mở ra cơ hội kinh doanh online nhiều hơn khi người dân chọn mua sắm tại nhà gia tăng. Mua sắm online có tốc độ tăng trưởng 2 chữ số hằng năm và con số này còn nhiều khả năng phát triển nữa ở Việt Nam.
Bốn sàn TMĐT lớn nhất hiện nay là Shopee, Lazada, Tiki, Sendo đều được các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn. Cụ thể, Tiki có sự góp mặt của quỹ đầu tư mạo hiểm của chính phủ Singapore là EDBI; JD.com (công ty thương mại điện tử lớn thứ 2 tại Trung Quốc, chỉ sau Alibaba) và các nhà đầu tư từ Hàn Quốc như STIC, KIP; từ Nhật Bản như CyberAgent Ventures, Sumitomo… Shopee từng nhận vốn đầu tư 50 triệu USD của Công ty SEA (Singapore). Lazada ngoài Alibaba là đổ đông kiểm soát còn có nhà đầu tư khác là quỹ đầu tư quốc gia Temasek của Singapore. Tại Sendo, nhà đầu tư trong nước nắm gần 35%, trong khi 16 cổ đông ngoại sở hữu hơn 65% cổ phần.
 

Walmart đã lấn sân sang lĩnh vực bán lẻ online

Walmart

Trong khi đó, Alibaba nổi lên như một nhà đầu tư toàn cầu vào lĩnh vực thương mại điện tử. Theo Báo cáo M&A nửa cuối năm 2019 của Hampleton, trong vòng 30 tháng, Alibaba đã thực hiện 8 thương vụ sáp nhập ở lĩnh vực thương mại điện tử ở nhiều quốc gia, trong đó có thể kể đến các thỏa thuận đầu tư vào Daraz Group (nhà bán lẻ online tại Pakistan), ORDRE (nhà bán lẻ thời trang online có mặt tại nhiều quốc gia), Ele.me (dịch vụ giao thức ăn cho các đơn đặt hàng online tại Trung Quốc).
Trong 3 năm 2018, 2019, 2020, Alibaba đã thực hiện nhiều đợt rót vốn đầu tư vào Lazada với giá trị lần lượt là 1,5 tỉ USD, 790 triệu USD và 2,3 tỉ USD. Năm 2018, Alibaba mua 85% cổ phần của Trendyol (trang thương mại điện tử hàng đầu tại Thổ Nhĩ Kỳ) với giá trị tiền mặt là 728 triệu USD. Năm 2017, tập đoàn này đầu tư vào 1,1 tỉ USD vào Tokopedia - nền tảng thương mại điện tử hàng đầu tại Indonesia.
 Hiện nay, đang có nhiều đồn đoán The CrownX có kế hoạch hợp tác với một “ông lớn” trong lĩnh vực thương mại điện tử để phát triển nền tảng tiêu dùng bán lẻ tích hợp từ offline đến online. Hy vọng Việt Nam sẽ không để mất miếng bánh thơm trị giá vài chục tỉ USD này vào tay các doanh nghiệp ngoại. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.