Giá cao vẫn được đón nhận tích cực
|
“Tuy nhiên, khi lô hàng đầu tiên của chúng tôi đặt chân lên đất Mỹ đã được người tiêu dùng đón nhận rất tốt. Tín hiệu rất tích cực nên chúng tôi đang chuẩn bị xuất các lô hàng tiếp theo”, bà Vy khoe và phân tích dù giá thành cao nhưng xoài VN thật sự có sự khác biệt so với nhiều loại xoài khác trên thị trường Mỹ hiện nay. Chính vì vậy, xoài Việt vẫn sẽ có đối tượng khách hàng riêng của mình.
Tuy nhiên, bà Vy thừa nhận giá cả thật sự cũng là một vấn đề quan trọng bởi sự chênh lệch đó cũng làm phân khúc khách hàng ngắn lại. Giải thích lý do khiến xoài VN qua Mỹ bị đội giá, theo bà Vy, xoài cát Hòa Lộc và xoài cát Chu bắt buộc phải đi máy bay chứ không thể đi tàu vì thời gian vận chuyển hơn 3 tuần, hàng sẽ bị hư hỏng. Vì vậy, giá thành cũng tăng thêm so với xoài từ các nước Nam Mỹ. Công ty này vẫn đang tìm cách để có thể kéo dài phân khúc khách hàng cho trái xoài VN, cũng như một số loại trái cây khác.
Theo Bộ Công thương, sức tiêu thụ trái cây nhiệt đới ở Mỹ ngày càng tăng. Đối với trái xoài, số liệu thống kê cho thấy, năm 2005, bình quân mỗi người Mỹ tiêu thụ nửa ký xoài mỗi năm; 10 năm sau con số này đã tăng lên gần 1,3 kg/người/năm. Nguồn cung xoài cho Mỹ đến chủ yếu từ Mexico chiếm gần 66% thị phần, Peru (hơn 10%), Ecuador (gần 10%), còn lại là Guatemala, Brazil, Haiti...
tin liên quan
Xuất khẩu 8 tấn xoài đầu tiên sang MỹCách làm mới cho cả thị trường Trung Quốc
GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật miền Nam, đánh giá cao kết quả trên. Theo ông Bửu, xuất được trái xoài tươi đi Mỹ là kết quả thành công của việc tổ chức sản xuất theo mô hình mới. Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức sản xuất theo hướng tạo điều kiện cho nông dân liên kết lại với nhau và liên kết với doanh nghiệp. Nhờ vậy, người dân thực hiện các quy trình sản xuất sạch, an toàn theo yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường.
Mở thêm được một cánh cửa là tín hiệu đáng mừng cho nông sản Việt. Tuy nhiên, thị trường lớn và tiềm năng nhất đối với VN vẫn là Trung Quốc. GS Bùi Chí Bửu phân tích Trung Quốc có khoảng 1,3 tỉ dân, nhưng thời gian qua họ mất hơn 5 triệu ha đất nông nghiệp để phục vụ đô thị hóa và sản xuất công nghiệp. Nhu cầu tiêu thụ lương thực, thực phẩm của họ rất cao. Đặc biệt, trong chiến lược của mình, Trung Quốc vẫn coi các nước vùng Đông Nam Á như Myanmar, Thái Lan hay VN là vùng cung cấp lương thực, thực phẩm cho họ.
“Chính vì vậy, chúng ta không có gì phải sợ họ mà trong làm ăn cần phải khôn khéo. Họ cũng bị áp lực dư luận trong nước “mang tiếng là nền kinh tế lớn thứ hai nhưng lại dễ tính nhất thế giới”. Đó là lý do giờ đây họ ngày càng khó tính hơn”, GS Bửu nói và cho rằng thời gian qua, chúng ta không tổ chức được sản xuất, phụ thuộc vào buôn bán tiểu ngạch, rồi để thương lái vào tận ruộng vườn thu gom... Những điều này làm sản xuất vốn tự phát lại càng rối loạn. Nay theo xu hướng, Trung Quốc cũng đòi hỏi quy hoạch vùng trồng, truy xuất nguồn gốc... Đây là cơ hội tốt để chúng ta tổ chức lại từ sản xuất đến tiêu thụ và làm ăn chính ngạch với họ.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Ngô Tường Vy thừa nhận thị trường Mỹ rất tiềm năng, nhưng khoảng cách rất xa. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc khả năng tiêu thụ số lượng lớn mà thực sự chúng ta chưa khai thác hết. Dù là sản xuất, xuất khẩu đi thị trường nào cũng phải đảm bảo sản phẩm sạch, an toàn vì sức khỏe người tiêu dùng.
Bình luận (0)