Hội thảo do Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM phối hợp với hệ thống siêu thị VinMart và VinMart+ tổ chức sáng qua 13.12.
Là kênh phân phối dẫn dắt thị trường
Theo bà Nguyễn Quỳnh Trang - Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, TP.HCM không chỉ tiêu thụ hàng hóa sản xuất trên địa bàn mà còn tiêu thụ và là trạm trung chuyển một lượng rất lớn hàng hóa sản xuất từ các tỉnh thành khác, đặc biệt là phía nam. Cũng vì thế, TP đang sở hữu hệ thống phân phối lớn nhất nước với 204 siêu thị, 44 trung tâm thương mại, 2.300 cửa hàng tiện lợi, 3 chợ đầu mối, 239 chợ truyền thống và gần 250 chợ tự phát.
|
Khẳng định hệ thống phân phối hiện đại mới là kênh định hướng và giải quyết tốt nhất việc đưa hàng hóa sạch, đầy đủ thông tin về xuất xứ, nhãn mác, đảm bảo tiêu chuẩn chung của nhà nước đến tay người tiêu dùng, bà Nguyễn Quỳnh Trang cho biết, từ nay đến năm 2025, TP.HCM sẽ phát triển hơn 2.000 cửa hàng tiện lợi, gần 50 siêu thị trên địa bàn TP. Sở cũng sẽ quan tâm và hỗ trợ các nhà phân phối bán lẻ trong và ngoài nước, đẩy mạnh phát triển các kênh phân phối hiện đại, đưa sản phẩm sạch, sản phẩm tươi sống đến từng gia đình.
Ở góc độ chuyên môn, ông Phan Thanh Tâm, Phó giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM, cho rằng bằng mắt thường, chúng ta không thể phân biệt được thực phẩm có chất bảo quản, chất ngọt nhân tạo, hàn the, phẩm màu. Do đó, người tiêu dùng nên chọn nhà cung cấp uy tín thông qua các kênh bán hàng hiện đại, có điều kiện bảo quản, vệ sinh tốt; thực phẩm được chứng nhận, có bao bì, nguồn gốc và thông tin nhà sản xuất.
Riêng với mô hình chợ truyền thống, ông Tâm cho biết đơn vị này đã và đang tổ chức nhiều đợt kết nối hàng hóa trực tiếp từ nhà vườn, các doanh nghiệp có vùng nguyên liệu tốt, đảm bảo nguồn gốc, việc cung ứng hàng hóa, thực phẩm tươi sống tới người tiêu dùng giống trong siêu thị hay các cửa hàng tiện lợi để giữ mãi lực cho mô hình này.
tin liên quan
VN lần đầu ban hành Tiêu chuẩn Quốc gia về thịt mátTăng cạnh tranh, người tiêu dùng hưởng lợi
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó tổng giám đốc phụ trách chuỗi cửa hàng VinMart+ và VinMart, cho rằng để mang đến khách hàng sản phẩm thực sự sạch và an toàn, chuỗi bán lẻ đóng vai trò hết sức quan trọng. Phải có điểm bán gần, tiện lợi, chất lượng thì người tiêu dùng mới dễ dàng thay đổi thói quen, mua được thực phẩm an toàn.
“Ý thức được điều này, chúng tôi đã đặt mục tiêu cụ thể là ưu tiên việc phát triển mạng lưới cửa hàng tiện lợi VinMart+. Hiện đã có hơn 1.600 cửa hàng VinMart+ bao phủ toàn TP, là chuỗi bán lẻ lớn nhất VN. Thực phẩm bày bán trong VinMart và VinMart+ đều được thử nghiệm khách quan và kiểm soát nghiêm ngặt về chất lượng. Sắp tới, chúng tôi sẽ khai trương thêm khoảng 100 cửa hàng phân bố khắp các quận, huyện, tạo điều kiện để mang thực phẩm sạch, an toàn, chất lượng đến tay người tiêu dùng một cách dễ dàng, thuận tiện nhất”, bà Hồng thông tin.
PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban An toàn thực phẩm TP.HCM, phân tích: Thị trường là cuộc cạnh tranh khốc liệt. Để tồn tại, các doanh nghiệp bán lẻ đã mở cửa hàng tiện ích gần ngay khu dân cư, chấp nhận cạnh tranh với chợ truyền thống. Trong bối cảnh này, chợ truyền thống buộc phải cạnh tranh bằng chất lượng để giữ được khách. Bản thân cửa hàng tiện lợi cũng chấp nhận mạo hiểm vì đối tượng chủ yếu của chợ truyền thống là khách quen nên buộc phải thu hút khách bằng sự đa dạng và chất lượng của sản phẩm. Cuối cùng chính người tiêu dùng hưởng lợi. “Người tiêu dùng ngày càng thông minh, họ sẽ dần thay đổi thói quen nếu cảm thấy cái mới có lợi hơn. Xã hội ngày càng phát triển, cái mới, cái hiện đại sẽ dần thay thế cái cũ và nếu bản thân cái cũ không chịu tự đổi mới thì thất bại là điều không thể tránh khỏi”, bà Lan khẳng định.
Bình luận (0)