Muối nhập ép chết muối nội

22/12/2014 08:29 GMT+7

Nhiều mặt hàng đặc trưng trong nước bị bỏ bê nhưng vẫn được nhập khẩu lại từ nước ngoài. Đơn cử, chỉ trong 11 tháng, VN chi 19 triệu USD nhập muối dù muối tồn trong nước ê hề.

Nhiều mặt hàng đặc trưng trong nước bị bỏ bê nhưng vẫn được nhập khẩu lại từ nước ngoài. Đơn cử, chỉ trong 11 tháng, VN chi 19 triệu USD nhập muối dù muối tồn trong nước ê hề.

Nghề muối cơ cực vì chưa được đầu tư đúng mức

Nghề muối cơ cực vì chưa được đầu tư đúng mức - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, giá trị nhập khẩu muối trong tháng 11 ước đạt 2 triệu USD, đưa giá trị nhập khẩu từ tháng 1 - 11.2014 lên 19 triệu USD, tăng hơn 150.000 tấn muối - tương đương 3 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2013.

“Rất bất thường”

Một chuyên gia trong ngành thực phẩm nhận định nhập khẩu muối tăng đột biến ở thời điểm này là rất bất thường, bởi nguồn muối trong nước còn tồn rất nhiều, giá muối cũng không cao. “Diễn biến như vậy có thể do thông tin Chính phủ sẽ siết chặt quản lý muối nhập khẩu từ năm 2015”, chuyên gia này phán đoán.

TS Phạm Tất Thắng, chuyên gia kinh tế, nhận định: “Điểm yếu của hạt muối VN là giá quá cao, còn muối nước ngoài nhập về tính tất cả phí vận chuyển, thuế đều thấp hơn nên mới có chuyện nhập khẩu muối diễn ra nhiều năm qua. Vì vậy, trước hết nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn vay, hỗ trợ kỹ thuật cho diêm dân và hạt muối chúng ta sản xuất ra phải được DN thu mua hết”.

Một số doanh nghiệp (DN) sản xuất muối đặt vấn đề năm 2014, Bộ Công thương cấp hạn ngạch nhập khẩu muối cho các đơn vị sản xuất hóa chất, sản xuất thuốc, sản phẩm y tế với số lượng 102.000 tấn. Tuy nhiên, lượng muối nhập khẩu thực tế gấp nhiều lần con số này, lượng dư ra sẽ đi đâu? Thực tế, các năm qua, ngành hải quan đã phát hiện một số DN lợi dụng cơ chế ưu đãi thuế để nhập khẩu muối công nghiệp, nhưng sau đó lại bán trở lại thị trường làm muối ăn, chế biến thực phẩm. Đây là một trong những lý do khiến lượng muối tồn trong nước ngày càng cao.

Hiện tại, lượng muối tồn trong dân và một số DN sản xuất lên tới 200.399 tấn. Tại các cánh đồng muối ở tỉnh Bình Định, sản lượng muối tồn đọng khá lớn do giá muối thấp và đầu ra rất khó khăn. Theo diêm dân ở các địa phương, năm nay giá muối thường xuyên ở mức thấp, thời điểm cuối vụ giá muối sản xuất theo phương pháp thủ công ở mức từ 800 - 900 đồng/kg, muối sạch sản xuất theo phương pháp trải bạt từ 1.100 - 1.200 đồng/kg, giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Nguyễn Quang Khải, Phó giám đốc Công ty cổ phần muối và thương mại miền Trung, nguyên nhân làm giá muối năm nay thấp là do hầu hết các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận đều trúng mùa muối. Trong khi đó, các nhà máy chế biến trong nước không tiêu thụ hết lượng muối sản xuất của diêm dân.

Muối công nghiệp "đội lốt" muối ăn

Việc sử dụng muối công nghiệp làm muối ăn dù chưa có cảnh báo nào về sự nguy hại, nhưng theo một số nhà khoa học, muối công nghiệp là dạng muối trắng có độ mặn cao, tỷ trọng rất nặng, được khai thác từ những mỏ muối trong lòng đất không có các thành phần khoáng chất ma giê, can xi, kali, sunphat - là những thành phần cần thiết cho cơ thể. Ngoài ra, không loại trừ trong muối mỏ vẫn còn tồn dư thành phần các kim loại nặng.

Sẽ siết chặt muối nhập khẩu

Theo Thông tư số 34/2014/TT-BNNPTNT của Bộ NN-PTNT, kể từ ngày 1.1.2015, các loại muối nhập khẩu thuộc nhóm 2501 theo biểu thuế nhập khẩu do Bộ Tài chính ban hành phải đáp ứng các chỉ tiêu chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chất lượng muối nhập khẩu. Tất cả các lô hàng muối nhập khẩu về đến hải quan đều được kiểm tra, đánh giá về chất lượng. Khi nào cơ quan kiểm tra có “Thông báo kết quả kiểm tra chất lượng muối nhập khẩu” xác nhận lô hàng đáp ứng yêu cầu chất lượng muối và cơ quan hải quan thông quan trên tờ khai hàng hóa thì DN mới được phép đưa muối vào sản xuất hoặc lưu thông trên thị trường.

Kỹ sư Nguyễn Đình Bình, thuộc Công ty muối VN, phân tích: “Muối biển tự nhiên để sử dụng ăn uống khác xa các loại muối công nghiệp và muối mỏ. Muối công nghiệp có thể mang lại bệnh tật vì khi đưa chúng vào cơ thể sẽ làm mất cân bằng khoáng chất. Đáng nói là hầu hết muối nhập khẩu có nguồn gốc từ Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan. Đây là muối mỏ, hồ nước mặn, mạch nước mặn dưới lòng đất, giá rẻ và có vị mặn chát. Đặc biệt tại Trung Quốc, Đài Loan đã phát hiện nhiều trường hợp dùng muối công nghiệp trộn lẫn với muối biển thành muối ăn, gây ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe người dùng. Tuy nhiên, nhiều DN vẫn tìm cách nhập khẩu muối để bán ra thị trường hưởng chênh lệch”.

Điều đáng nói là trong khi VN phải bỏ tiền để nhập khẩu muối công nghiệp về dùng thì nhiều nước giàu có như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc lại tìm cách nhập khẩu muối biển sạch tự nhiên từ VN để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong việc ăn, nêm, chế biến thực phẩm. Hiện tại, sản phẩm muối của ta đã xuất khẩu sang một số nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào... Trong đó xuất sang Mỹ bình quân 800 tấn/năm, Nhật gần 2.000 tấn/năm. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám, ngành muối vẫn chưa thể đẩy mạnh xuất khẩu do còn nhiều tồn tại, đó là sản xuất muối vẫn chủ yếu thủ công, phụ thuộc chính vào những điều kiện thời tiết. Hệ thống cơ sở hạ tầng còn yếu kém nên phần lớn chỉ xuất muối thô để các nước nhập khẩu tinh chế lại.

Theo dự báo, nhu cầu sử dụng muối cho tiêu dùng và sản xuất nông - công nghiệp năm 2015 là 1,5 triệu tấn trong khi tổng sản lượng muối hiện nay cả nước mới đạt xấp xỉ 1,2 triệu tấn. Cầu cao hơn cung nhưng muối vẫn ế, diêm dân vẫn khốn khổ, đó là nghịch lý chua chát của đất nước có lợi thế về sản xuất muối như VN.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.