Myanmar lo nặng nợ Trung Quốc vì hai dự án 10 tỉ USD

12/05/2018 14:00 GMT+7

Kyaukpyu sắp có cảng biển sâu và khu công nghiệp trị giá 10 tỉ USD nhưng lại do Trung Quốc tài trợ xây dựng, mà khoản vay từ Trung Quốc thì vốn đắt đỏ và nhiều rủi ro.

Cảng biển sâu Asia World ở Yangon Ảnh: Getty Images
Thị trấn Kyaukpyu của Myanmar nép mình quanh một cảng cá nhỏ ở Vịnh Bengal có không khí của một khu vực sắp giàu. Tại chợ ven biển, nhiều thùng hải sản và hàng đồ chơi, smartphone Trung Quốc được dỡ từ nhiều tàu cá bằng gỗ neo ở bến cảng lềnh bềnh rác. Gần đó, các văn phòng và khách sạn cao tầng đang dần mọc lên. Nhiều nhà hàng cao cấp trên tầng thượng và một khu chơi golf thể hiện sự chuyển tiếp của thị trấn có 50.000 dân.
Kyaukpyu còn sắp có cảng biển sâu và khu công nghiệp trị giá tổng cộng 10 tỉ USD, do Trung Quốc tài trợ xây dựng. Giá trị kế hoạch đầu tư này lớn gấp bảy lần chi phí nhiều cảng do Trung Quốc xây ở Sri Lanka và Cameroon. Điều này khiến Kyaukpyu trở thành chủ đề tranh cãi ở Myanmar và khắp châu Á, về việc nước nào mới thực sự hưởng lợi từ chiến lược Vành đai, Con đường của Trung Quốc.
“Nguy cơ thực sự của cảng là chi phí cực lớn của nó có thể khiến chính phủ Myanmar cõng mức nợ không bền vững. Cảng này cùng với các dự án hiện tại và trong tương lai ở Myanmar có thể dẫn đến một cái bẫy nợ trong những năm tới”, giám đốc Greg Poling của Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế tại Washington cho hay.
Anh Shwe Shwe Maung Ảnh: Bloomberg
Nhiều lo ngại trên khiến việc phát triển ngừng lại, nhất là từ khi chính phủ Myanmar chọn CITIC Group của Trung Quốc làm đơn vị xây cảng cách đây ba năm. CITIC là tập đoàn đầu tư nhà nước đầu tiên của Đại lục. Công ty đề xuất lấy 70% cổ phần trong dự án, phần còn lại thì được chia giữa chính phủ Myanmar và một nhóm nhiều doanh nghiệp địa phương. Công ty Trung Quốc sẽ điều hành khu vực đến 75 năm và tài trợ cho phần của Myanmar.
“Chúng tôi nghe là nó được xây dựng từ năm 2015 nhưng đến nay chưa có gì xảy ra. Chúng tôi không biết chính xác tác động sẽ là gì, nhưng chúng tôi đều hi vọng rằng nó sẽ đem lại công ăn việc làm”, Shwe Shwe Maung, người đứng đầu làng KaBalan với 460 hộ gia đình thuộc khu vực được đánh dấu sẽ trở thành khu kinh tế, cho biết.
Một số quan chức cấp cao chính phủ Myanamar lo ngại rằng đất nước có nền kinh tế nhỏ hơn cả Cộng hòa Dominica có thể chật vật trả khoản nợ hàng tỉ USD mà họ cần để thực hiện dự án. “Số tiền lãi khá lớn và không giống như các khoản vay mà chúng tôi có được từ chính phủ Nhật Bản. Vay từ Trung Quốc đắt đỏ hơn nhiều”, thành viên Soe Win thuộc đảng Liên minh Dân chủ đang cầm quyền cho hay.
Lễ khởi công xây dựng mở rộng khu kinh tế đặc biệt Thilawa ở Myanmar tháng 2.2017 Ảnh: Kyodo News
Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản đang hỗ trợ rót vốn cho dự án khu kinh tế 3,28 tỉ USD ở cảng Thilawa, miền nam Yangon. Dự án Thilawa đặt ra thêm câu hỏi: Liệu Myanmar có nhu cầu cơ sở vật chất lớn như thế ở Kyaukpyu không, hay đây chỉ đơn giản là đường dẫn cho Trung Quốc và được vận hành bởi doanh nghiệp Trung Quốc?
“Liệu cảng biển sâu có được thực hiện để đem lại lợi ích cho Myanmar không? Nếu chúng ta có cảng biển sâu nhưng không do Myanmar kiểm soát, thì đây là vấn đề”, nhà sáng lập kiêm giám đốc hãng Parami Energy của Myanmar cho hay.
Cảng Hambantota ở Sri Lanka Ảnh: Bloomberg
Chính phủ quốc gia Đông Nam Á nhìn vào câu chuyện ở Sri Lanka và lo lắng. Năm 2008, một liên doanh với Trung Quốc bắt đầu xây dựng cảng nước sâu ở Hambantota. Năm ngoái, khi Sri Lanka không trả nổi nợ đã vay để xây cảng, họ phải bán cảng cho Trung Quốc trong vòng 99 năm để được hoãn trả nợ.
“Trung Quốc đang cố gây ảnh hưởng đến các sự kiện chính trị ở Myanmar theo nhiều cách, nhưng những gì chúng tôi sợ là chúng tôi sẽ có kết thúc như Sri Lanka”, ông Soe Win nói. Hiện chính phủ Myanmar có ít lựa chọn nào khác ngoài tiền vay từ Trung Quốc nếu muốn xây cảng. Nước này không có nhiều đồng minh là các quốc gia phát triển. Kyaukpyu cách thủ đô Yangon của Myanmar 400 km về phía tây bắc.
Về phía Đại lục, Kyaukpyu có lợi ích tiềm tàng về cả mặt quân sự lẫn thương mại. Đây là một phần quan trọng trong chiến lược Vành đai, Con đường của Trung Quốc. CITIC cho hay cảng sẽ có công suất thường niên là 4,9 triệu container, cao hơn công suất hiện thời của cảng container lớn nhất Brazil, và có khả năng tải dầu cho đường ống. Cộng thêm đường sắt, các nhà xuất khẩu ở Vân Nam sẽ có đường tắt đến Ấn Độ Dương, không phải đi qua vùng Biển Đông và eo biển Malacca.
“Vân Nam rất quan trọng với họ, nó không giáp biển. Chúng tôi sẽ rất hạnh phúc nếu họ dùng cảng Kyaukpyu làm cảng thương mại. Song nếu họ chuyển nó thành căn cứ quân sự, chúng tôi sẽ rất, rất buồn”, ông Soe Win nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.