Ngày đầu thực hiện '3 tại chỗ': Hàng loạt doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động

16/07/2021 06:15 GMT+7

Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA) cho biết chưa thống kê được chính xác có bao nhiêu DN đang tạm ngừng hoạt động vì không đảm bảo được quy định 3T nhưng con số này rất nhiều.

Hôm qua 15.7, ngày đầu tiên TP.HCM áp dụng quy định chỉ cho phép doanh nghiệp sản xuất khi đảm bảo thực hiện phương châm “3 tại chỗ - 3T” hoặc phương án “1 cung đường - 2 địa điểm”, rất nhiều đơn vị phải tạm ngưng hoạt động vì không kịp và không thể thực hiện.

Nhỏ tạm ngưng, lớn cắt giảm

Trưa qua, ông Lương Nguyên Tâm, Giám đốc Công ty TNHH thương mại quốc tế T-Farm, buồn rầu thông báo: “Không đáp ứng được quy định nên đã tạm ngưng hoạt động rồi”. Dù chỉ có khoảng 25 công nhân nhưng ông cũng không kịp xoay xở do thời gian thực hiện quá gấp. Thực tế, khó khăn lớn nhất trong việc tổ chức ăn nghỉ tại chỗ là tổ chức ăn uống vì nhiều cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp đã ngưng hoạt động để chống dịch, muốn đặt đồ ăn cho công nhân, họ cũng không nhận. Công nhân về nhà còn có thể tự mua đồ nấu ăn, ở lại trong khu công nghiệp không đặt được cơm, lại không có chỗ để nấu thì bó tay. Chưa kể, rất nhiều công nhân không chịu ở lại tập trung, đặc biệt là công nhân nữ vì họ còn phải lo cho gia đình, con cái, mà ở thì không biết đến bao giờ mới được về.

Người Sài Gòn ra bưu điện… mua lương thực bình ổn giá từ sáng sớm

Theo số liệu đến trưa 15.7 của Hiệp hội Các DN khu công nghiệp (HBA) TP.HCM, tại khu công nghệ cao đã có 70/85 DN đăng ký tiếp tục hoạt động theo quy định mới; khu chế xuất Linh Trung 1 đã có 13/32 DN thông báo ngưng hoạt động; khu chế xuất Linh Trung 2 đã có 10/30 DN thông báo ngưng hoạt động; KCN Hiệp Phước đã có 25/159 DN thông báo ngưng hoạt động với tổng số 2.595 công nhân; khu chế xuất Tân Thuận hiện còn 110/250 DN tiếp tục hoạt động với 8.000/65.000 công nhân...
Ông Phạm Quang Anh, Tổng giám đốc Công ty may mặc Dony, cũng buồn rầu cho tạm ngưng sản xuất. Suốt cả ngày trước đó (14.7), từ sếp đến nhân viên phải chạy quanh để tìm nơi cung cấp suất ăn cho công nhân nhưng thất bại. Công ty nhỏ với hơn 100 nhân công, trước giờ chỉ mua thức ăn ngoài vào. Nay quy định ra đột ngột lại trong bối cảnh giãn cách toàn xã hội, tìm chỗ cung ứng suất ăn an toàn 3 bữa mỗi ngày cho toàn bộ nhân viên “khó hơn lên trời”. Muốn tổ chức nhà bếp, tự nấu ăn thì cũng không thể làm ngay.
Trong khi nhiều doanh nghiệp (DN) nhỏ phải tạm ngừng hoạt động do không đảm bảo theo quy định 3T thì một số DN kịp đáp ứng cũng chỉ thực hiện một phần nhỏ, còn lại thì thu hẹp đáng kể hoạt động vì tốn nhiều chi phí. Đại diện Công ty Saigon Foods cho hay đơn vị có 5 nhà máy tạo ra một chu trình sản xuất khép kín tại KCN Vĩnh Lộc (Bình Chánh, TP.HCM). Công ty đã tạm cho dừng 2 nhà máy để lấy chỗ sắp xếp cho công nhân ở lại. Khu lưu trú này có thể cung cấp cho khoảng 400 người nhưng công ty chỉ áp dụng cho 200 người ở lại, đạt 10% tổng số lao động bởi hàng loạt chi phí đều phát sinh thêm từ trang thiết bị ngủ nghỉ, chi phí xét nghiệm trước khi vào ở tập trung và sau 7 ngày thực hiện xét nghiệm lại, cung cấp các bữa ăn trong ngày... Thế nên công suất hoạt động của Saigon Foods đã giảm mạnh. Đại diện Saigon Foods chia sẻ: “Trước đây công ty cũng đã suy nghĩ đến phương án này rồi nhưng không thể thực hiện vì tốn quá nhiều chi phí, trong khi từ đầu mùa dịch đến nay đơn hàng xuất khẩu sụt giảm mạnh, công ty cố gắng giữ ổn định giá bán ra nên càng phải tiết kiệm chi phí hoạt động. Nhưng đến giờ thì phải chấp nhận để duy trì phần nào sản xuất...”.

Bản tin Covid-19 ngày 15.7: Cả nước 3.416 ca bệnh mới; riêng TP.HCM 2.701 ca và thêm 69 ca tử vong

Công trình “treo cẩu”

Sáng qua, Sở Xây dựng TP.HCM có văn bản yêu cầu đối với công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ trên địa bàn TP thì chủ đầu tư và đơn vị thi công phải thực hiện “3 tại chỗ”: làm việc tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ và “1 cung đường - 2 địa điểm”...

Đặc điểm từng DN hoạt động khác nhau, cách sử dụng lao động trong làm việc và giờ giấc khác nhau, điều kiện ăn ở khác nhau, nên các quy định cần có sự linh hoạt và ưu tiên cho một số ngành nghề đặc thù và quan trọng. Đồng thời, chính quyền và đoàn thể các cấp cần quan tâm và hình thành ngay hệ thống cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho các DN thực hiện “3 tại chỗ”. Ngoài ra, UBND TP.HCM và chính quyền quận, huyện cần hỗ trợ nơi tạm trú cho công nhân như cho DN được thuê, mướn hoặc sử dụng các mặt bằng trong phạm vi quản lý của nhà nước. Đồng thời, nên cho áp dụng hình thức dán phù hiệu hoặc logo cho các loại hình xe hàng hóa, xe đưa rước công nhân để dễ kiểm soát...   

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch HBA

Đại diện Công ty xây dựng An Phong cho biết công ty không đáp ứng nổi, nhất là khâu lo hậu cần ăn ở cho công nhân khi muốn ở lại làm việc tại công trường. Chưa kể “nhốt” công nhân trong một khu tập trung như vậy cũng không thể loại trừ hoàn toàn nguy cơ bởi nếu có một công nhân mắc bệnh sẽ lây nhiễm chéo cho các công nhân khác thì trách nhiệm, thiệt hại của DN càng nặng nề thêm. Chính vì vậy, công ty đã cho ngừng thi công, “treo cẩu” ở tất cả các dự án để phòng ngừa dịch bệnh và tránh các thiệt hại đáng tiếc xảy ra.
Ngay khi TP thực hiện giãn cách xã hội, Tập đoàn Hưng Thịnh đã giảm bớt số lượng công nhân tại các dự án. Nhưng khi Sở Xây dựng ra quy định “3T”, theo ông Trương Văn Việt, Phó tổng Tập đoàn Hưng Thịnh, phụ trách Công ty xây dựng Hưng Thịnh, công ty đã cho ngưng hết bởi để đáp ứng quy định của nhà nước sẽ rất khó. Công trường xây dựng không giống xưởng sản xuất, còn có nhà xưởng cho công nhân ở lại sạch sẽ. Còn ở công trường ngổn ngang vật tư, máy móc, dễ mất an ninh xã hội, tệ nạn, an toàn lao động, khói bụi và nhất là khâu hậu cần ăn, vệ sinh cho công nhân ở lại. Chính vì vậy, các nhà thầu đành phải cho công nhân nghỉ việc đến khi có quy định mới. “Nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng nhiều vì tiến độ giao nhà cho khách hàng, đến bài toán tài chính và chuỗi cung ứng vật tư, vật liệu cho công trình”, ông Việt cho hay.
Theo lãnh đạo Tập đoàn xây dựng Hòa Bình, hiện nay có 60 công trình trên cả nước thì có đến 50 công trình xây dựng phải “treo cẩu”, số còn lại cũng chỉ bố trí được khoảng 20% ở lại do khó khăn khi áp dụng “3T”. Còn quy định “1 cung đường - 2 địa điểm” không thực hiện được vì không có chỗ thuê cho công nhân ở. Ông Lê Viết Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng VN, cho rằng quy định “3 tại chỗ” và 3 ngày công nhân phải test Covid-19 một lần của Sở Xây dựng cao hơn cả quy định của UBND TP.HCM là 7 ngày test 1 lần khiến chi phí đội lên, DN phải gánh quá nặng. “Trong khi vẫn chưa biết 2 tuần nữa đã ổn chưa, cách làm này thực tế chưa hiệu quả. Do đó, phải ưu tiên tiêm vắc xin ngay cho công nhân. Nếu công nhân nào tiêm phòng rồi mới cho làm việc, còn chưa thì cho ở nhà”, ông Hải kiến nghị.

Chỉ có 1,5 ngày chuẩn bị là quá gấp

Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA) cho biết chưa thống kê được chính xác có bao nhiêu DN đang tạm ngừng hoạt động vì không đảm bảo được quy định 3T nhưng con số này rất nhiều. Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch HUBA, nhận xét quyết định để cho DN có 1,5 ngày chuẩn bị cho phương án “3 tại chỗ” là quá khó khăn. Tuy nhiên tinh thần là vẫn tuân thủ triệt để; DN nào chưa chuẩn bị kịp hoặc chưa đáp ứng đủ chuẩn “3T” cho sản xuất thì tạm ngưng sản xuất. DN nào có kế hoạch muốn tiếp tục sản xuất thì cho thời gian chuẩn bị 3T cho công nhân, khi nào đáp ứng được thì tiếp tục sản xuất. Các DN FDI và sản xuất xuất khẩu trong các KCN đều ít nhiều đã có sự chuẩn bị nhưng đa số chọn giải pháp giảm công suất xuống còn 30 - 50% để tổ chức “3T” và duy trì sản xuất trong hoàn cảnh ngặt nghèo của đại dịch. “Thống kê số lượng DN tạm ngưng lúc này rất khó, DN chưa có câu trả lời ngay vì liên quan đến thương hiệu, uy tín của DN. Chỉ trong vòng 1,5 ngày, các DN sẽ phải đánh giá để tự đưa ra quyết định. Nếu dừng cũng sẽ cần triển khai rất nhiều hoạt động như thông báo cho đối tác, xử lý nguyên phụ liệu, hoàn tất sản xuất sản phẩm còn dở dang... là quá gấp gáp. Bây giờ không chỉ đứt gãy chuỗi cung ứng giữa DN với các đối tác, mà còn đứt gãy ngay trong chính từng đơn vị”, ông Dũng nói.
Ông Phạm Quang Anh, Tổng giám đốc Công ty may mặc Dony, thừa nhận hiện nay chưa thể nói gì được. Tình hình dịch bệnh thay đổi liên tục, các quy định cũng phải thay đổi tương ứng. “Ngay bản thân tôi khi đọc công văn nghĩ ngay không biết quy định này sẽ tiếp tục thay đổi thế nào nữa sau khi DN mua sắm đầy đủ các thiết bị tổ chức ăn nghỉ cho công nhân”, ông Quang Anh nói và kiến nghị song song thực hiện phương án 3T, phải cho dịch vụ cung cấp thức ăn hoạt động.

Người dân TP.HCM có thể mua thực phẩm tại bưu điện trong dịch Covid-19

Theo ông Lương Nguyên Tâm, những thay đổi này hiện là cản trở lớn nhất đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Hiện còn rất nhiều đơn hàng tồn đọng công ty vẫn chưa làm được, DN này phải đàm phán lại với các đối tác, lấy lý do thiên tai dịch bệnh nên may mắn được đối tác thông cảm. Tuy vậy, họ cũng theo dõi và đề nghị cập nhật các quy định mới của TP.HCM để họ có thể dự trù ngày giao hàng nhưng giờ DN cũng “không biết đằng nào mà lần”. “Tiền hỗ trợ công nhân, tiền thuê nhà xưởng... khiến DN chịu áp lực khủng khiếp. Trong khu công nghiệp, hàng loạt công ty đã phải cho công nhân nghỉ việc. Thật ra DN rất muốn tuân thủ các quy định của nhà nước, không phải than để đòi ưu tiên hay không chấp hành. Ai cũng muốn làm tốt để dịch bệnh mau qua đi, hoạt động kinh doanh sản xuất sớm quay trở lại bình thường. Tuy nhiên, trước khi ra quy định mới, TP cần có triển khai hướng dẫn chi tiết, cụ thể tới khu công nghiệp để có chỉ dẫn cho DN. Các quyết định nên có thời hạn ít nhất 3 - 4 ngày để DN có thời gian chuẩn bị. Đồng thời, TP cũng cần có sự chuẩn bị về mặt hậu cần để hỗ trợ DN có thể đáp ứng quy định như sắp xếp”, ông Tâm nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.