Người dùng sẽ được giảm phí giao dịch ngân hàng online

13/02/2020 13:28 GMT+7

Thông tin từ Ngân hàng nhà nước ngày 13.2 cho biết, cơ quan này đã ban hành văn bản áp dụng chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán cho các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

Theo nội dung của văn bản trên, nhằm triển khai các giải pháp về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và đẩy mạnh thanh toán điện tử đối với dịch vụ công theo Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ, Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) đã xây dựng chương trình miễn, giảm phí dịch vụ.
Cụ thể, miễn phí chuyển mạch đối với các giao dịch thanh toán trực truyến (online) các dịch vụ công (dự kiến áp dụng đến hết tháng 12.2020); giảm phí chuyển mạch đối với các giao dịch chuyển tiền nhanh liên ngân hàng có giá trị nhỏ (từ 500.000 đồng/giao dịch trở xuống) từ 1.800 đồng/giao dịch xuống 500 đồng/giao dịch (dự kiến áp dụng từ ngày 25.2.2020).
Để thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng nhà nước đề nghị các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán khẩn trương nghiên cứu, xây dựng kế hoạch áp dụng các chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng dịch vụ, phù hợp với chương trình miễn, giảm phí của NAPAS.

Giảm phí, tăng giao dịch online sẽ giảm việc phải rút tiền mặt

Ảnh Ngọc Thắng

Theo đó, miễn phí đối với các giao dịch thanh toán trực tuyến (online) các dịch vụ công thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương. Giảm phí dịch vụ chuyển tiền nhanh liên ngân hàng có giá trị nhỏ cho người sử dụng dịch vụ: thời gian áp dụng, mức phí giảm tối thiểu tương đương với thời gian, mức phí giảm mà NAPAS áp dụng đối với các ngân hàng thành viên (1.300 đồng/giao dịch). Khuyến khích các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện mức phí giảm lớn hơn mức phí giảm của NAPAS nhằm hỗ trợ thị trường, thực hiện tốt Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ.
Nội dung của văn bản cũng nêu rõ, trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc cần phản ánh kịp thời về Ngân hàng nhà nước (qua Vụ Thanh toán) để theo dõi, tổng hợp và phối hợp nghiên cứu, xử lý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.