Người Việt chịu ô nhiễm giỏi hơn các nước khác?

27/11/2019 12:30 GMT+7

Câu hỏi này được nêu ra tại Hội thảo "Hiện trạng ô nhiễm không khí và chính sách quản lý chất lượng không khí" do Trung tâm CHANGE phối hợp cùng Viện Môi trường và Tài nguyên (IER) tổ chức sáng nay (27.11).

Quy chuẩn chỉ bằng 1/3 thế giới

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Thế Đồng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường đánh giá ô nhiễm không khí tại hầu khắp các địa phương đang diễn biến phức tạp và có xu hướng ngày càng gia tăng. Tại Thủ đô Hà Nội cùng các tỉnh, thành lân cận, chỉ số chất lượng không khí (AQI) luôn từ 150 trở lên (mức có hại cho sức khỏe). Theo ông Đồng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, trong đó một phần rất lớn là do những bất cập về cơ chế, chính sách quản lý. Cụ thể, pháp luật quản lý về ô nhiễm môi trường có nhiều nhưng quy định thiếu cụ thể, thiếu rõ ràng, chưa phù hợp với thực trạng. Trách nhiệm của địa phương chưa thật sự được cụ thể hóa. Bên cạnh đó, tuy các luật khác nhau về phát triển kinh tế xã hội đều có các điều khoản khung về quy hoạch bảo vệ môi trường nhưng các điều khoản cũng chỉ mang tính chung chung. Chưa kể, sau khi quy hoạch được phê duyệt, ban hành, chỉ một thời gian ngắn sau, nhiều quy hoạch bổ sung, sửa đổi lại được ban hành một cách dễ dãi, không giữ được những nguyên tắc, tiêu chí ban đầu.
"Hiện nay, Chính phủ đã ban hành đầy đủ các bộ quy chuẩn về bảo vệ môi trường, khi kiểm tra đơn lẻ từng doanh nghiệp, về cơ bản cũng tuân thủ quy định đầy đủ nhưng thực tế môi trường vẫn bị ô nhiễm. Điều này chứng tỏ còn rất nhiều bất cập, có thể luật còn lỏng lẻo, doanh nghiệp không tuân thủ hay còn các lý do khác đằng sau. Cần rà soát lại để bổ sung các chính sách phù hợp, thiết thực" - ông Đồng nói thêm.
Đặc biệt, trong số các kiến nghị sửa đổi luật Bảo vệ môi trường, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường nhấn mạnh cần chuẩn hóa các quy chuẩn về bảo vệ môi trường hiện nay tiệm cận hơn với các quy chuẩn quốc tế. Hiện nay, các tiêu chuẩn đối với vấn đề quản lý không khí của Việt Nam còn thiếu nghiêm ngặt. Có những tiêu chuẩn như về nồng độ bụi PM2.5, PM10 hay một số quy chuẩn theo QCVN 05 còn vênh 2 - 3 lần so với tiêu chuẩn của WHO. Quy chuẩn về xả thải cũng chưa được cụ thể hóa, chưa có khác biệt về yêu cầu chất lượng, thải lượng xả thải theo từng loại hình công nghiệp và theo vị trí vùng địa lý, chưa tương thích với quy chuẩn theo IFC. “Có lẽ người Việt chịu được ô nhiễm môi trường cao hơn các quốc gia khác? Cần nhanh chóng sửa đổi để có các quy chuẩn chuẩn hơn về bảo vệ môi trường, bảo vệ không khí ” - ông Đồng đề xuất.

Xe máy là nguồn gây ô nhiễm lớn nhất tại TP.HCM

Độc Lập

Xe máy là nguồn phát thải chính

 
Trình bày về hiện trạng ô nhiễm không khí tại TP.HCM, PGS.TS Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí, thuộc Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết không khí tại TP.HCM đang ô nhiễm nghiêm trọng, chủ yếu ô nhiễm bụi (72,36% số liệu TSP quan trắc tại 12 vị trí giao thông vượt QCVN 05). Theo thống kê của WHO năm 2016, nồng độ trung bình năm của bụi min PM2.5 tại các đô thị ở Việt Nam khoảng 28 µg/m3 (cao hơn 3 lần so với khuyến nghị của WHO). Trong đó, TP.HCM có nồng độ bụi PM2.5 đạt tới gần 40 µg/m3. Cùng với Cần Thơ và Bắc Ninh, TP.HCM đang là 1 trong 3 điểm đen khí thải của cả nước.
Theo kết quả khảo sát, đo đạc các nguồn phát thải do Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí thực hiện, ô nhiễm không khí tại TP.HCM đến từ 3 nguồn chính: Nguồn giao thông chiếm khoảng 50%, nguồn diện (hoạt động từ các hộ gia đình, nhà hàng, quán ăn, nông nghiệp, công trình xây dựng...) chiếm khoảng 30%, còn lại là nguồn điểm (hoạt động công nghiệp, bệnh viện, khách sạn).
Đáng chú ý, trong nguồn giao thông, xe máy được coi là "thủ phạm" chính gây ô nhiễm môi trường không khí. Tính tới ngày 18.8, toàn TP có gần 7,89 triệu phương tiện xe cơ giới, trong đó có 734.806 xe ô tô và gần 7,2 triệu xe gắn máy. Với tốc độ gia tăng "chóng mặt" về số lượng, xe máy đang chiếm khoảng 29% nguồn phát thải NO, 90% CO, 65,4% NMVOC và chiếm tới 37,7% nguồn phát thải bụi. Với nguồn phát thải bụi siêu mịn, xe gắn máy cũng chiếm khoảng 31%.
"Ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây tử vong 8 triệu người, theo tính toán năm 2014 của WHO. Trong đó, khí thải động cơ diesel được đánh giá là nguyên nhân gây ung thư cao. Tại TP.HCM hiện nay, xe cá nhân tăng liên tục trong khi bầu không khí chỉ có giới hạn. Nếu tiếp tục để các hoạt động giao thông xả thải, không kiểm soát được nguồn phát thải này thì rất khó kiểm soát được ô nhiễm không khí, chất lượng cuộc sống của người dân TP.HCM sẽ ngày càng tồi tệ" - PGS.TS Hồ Quốc Bằng nhận định.
Cũng theo ông Bằng, trước mắt, để giảm thiểu ô nhiễm không khí tại TP.HCM, cần nhanh chóng triển khai đề án kiểm soát khí thải xe gắn máy. Kiểm soát được nguồn phát thải từ xe máy có thể giúp TP.HCM giảm tới 30% tình trạng ô nhiễm không khí. "Tuy nhiên, nếu toàn TP đi bộ, cắt hết các hoạt động giao thông thì chúng ta cũng chỉ giảm được gần 50% nguồn khí thải, chưa giải quyết được ô nhiễm, bụi ở TP.HCM. Do đó, cần tổng hóa nhiều giải pháp. Ước tính TP.HCM cần khoảng 185 tỉ đồng cho kế hoạch kiểm soát ô nhiễm không khí và thiết kế các chiến lược kiểm soát hiệu quả, giai đoạn từ nay đến 2020" - vị này thông tin.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.