Thông tin này vừa được Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen “phát hiện” trong khảo sát về xu hướng mua sắm toàn cầu của đơn vị này vừa công bố.
So sánh số liệu năm 2010 và năm 2018, khảo sát của Nielsen đưa ra một vài con số khá thú vị. Chẳng hạn, năm 2010 người Việt có thói quen đi mua hàng trong chợ truyền thống là 25,17 lần mỗi tháng đến năm nay chỉ còn 18,86 lần. Tỷ lệ này cũng còn khá cao so với số lần người Việt “lai vãng” tại các cửa hàng tạp hóa hay cửa hàng tiện lợi, lần lượt là 9,47 lần và 4,5 lần và siêu thị chỉ đạt tần suất mua sắm 2,45 lần mỗi tháng trong năm 2018.
Điều đáng lưu ý là trong năm 2010, tần suất mua sắm tại cửa hàng tiện lợi đạt 1,24 lần trong khi tại siêu thị cao hơn hiện nay lên 3,26 lần. Ngoài ra, các kênh khác được người tiêu dùng lựa chọn thường xuyên hơn gồm cửa hàng đồ dùng cá nhân/tiệm thuốc với 1,22 lần mỗi tháng năm 2018 so với 0,76 lần năm 2010.
|
Dẫn một vài số liệu trên cho thấy, kênh mua sắm có tốc độ tăng trưởng nhanh trong thời gian qua là cửa hàng tiện lợi. Ông Gaurang Kotak - Trưởng bộ phận Nghiên cứu hành vi người tiêu dùng Nielsen Việt Nam lý giải cho sự thay đổi về hành vi mua sắm xuất phát từ nhiều yếu tố. Trong đó, sự dễ dàng, kinh tế và mối quan tâm về sức khỏe có thể là những yếu tố ảnh hưởng chính đến hành vi của người mua hàng. Người ở thành thị thường phải đối mặt với tắc nghẽn giao thông và sống xa nơi làm việc lại ít có thời gian mua hàng nên các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini là giải pháp tối ưu nhất.
|
Theo Nielsen, 2018 là năm thay đổi chưa từng có cho kênh thương mại hiện đại. Mặc dù kênh truyền thống bao gồm chợ vẫn chiếm ưu thế ở Việt Nam nhưng kênh hiện đại đã và đang đạt được nhiều cột mốc ấn tượng. Từ năm 2012, số lượng cửa hàng tiện lợi đã tăng gần gấp bốn lần và siêu thị mini dẫn đầu về tốc độ khai trương cửa hàng trong 9 tháng đầu năm 2018.
“Các cửa hàng chuyên bán sản phẩm chăm sóc cá nhân và các cửa hàng thuốc hiện đại cũng đã mở rộng nhanh chóng, tăng gấp đôi trong hai năm qua. Vì các nhà bán lẻ kênh thương mại hiện đại tiếp tục mở rộng và đầu tư vào việc cải thiện hệ thống cửa hàng để thu hút nhiều người mua hàng hơn nên triển vọng của kênh này trong tương lai sẽ còn được đẩy mạnh hơn nữa”, Nielsen nhận xét.
Theo số liệu Đo lường bán lẻ của Nielsen, doanh thu của mặt hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) của kênh thương mại hiện đại ở khu vực thành thị đạt mức tăng trưởng lên đến hai con số 11,3% trong quý 2 năm nay, vượt trội hơn so với kênh truyền thống chỉ tăng 1,6%.
Bình luận (0)