Nguồn cung không thiếu sao giá thịt lợn vẫn cao?

01/02/2020 11:56 GMT+7

Đó là câu hỏi được Ủy viên Bộ Chính trị - Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đặt ra cho các ngành khi chủ trì cuộc họp đột xuất của Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ, diễn ra chiều 31.1.

Cuộc họp có đại diện TP.HCM, Hà Nội, Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng, Hội Các nhà bán lẻ cùng 2 doanh nghiệp (DN) lớn trong ngành thực phẩm là Công ty cổ phần CP và Công ty Dabaco. Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê về giá thịt lợn hơi hiện nay vẫn cao hơn 8,29% so với tháng 12.2019, Phó thủ tướng đặt vấn đề là “do cung cầu hay là do độc quyền cung ứng gây ra” và đề nghị các cơ quan chuyên ngành làm rõ việc hạch toán chi phí, giá thành, giá bán thịt lợn cũng như thị phần của các DN chăn nuôi, sớm báo cáo Ban chỉ đạo. Bộ NN-PTNT cũng cần báo cáo việc thực hiện quyết định nhập khẩu thịt lợn thành phẩm, việc tái đàn, cung ứng thịt lợn sau Tết Nguyên đán.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, bộ này và các cơ quan liên ngành sẽ kiểm tra việc sản xuất, cung ứng và giá bán thịt lợn trong những ngày tới. Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, hết tháng 1, cả nước chỉ tiêu hủy 11.845 con lợn, giảm 99% so với tháng 5.2019 - tháng đỉnh điểm của tiêu hủy lợn dịch và lợn xuất chuồng tăng hơn 20% so với tháng trước nên đây là điều kiện tốt để tái đàn. Bộ NN-PTNT đề nghị các DN chăn nuôi giảm giá bán để tránh ảnh hưởng tới chỉ số CPI. Cũng theo ông Tiến, sau khi thị sát một số địa phương trước tết, số lợn xuất chuồng trong tháng 2 và tháng 3 sẽ tăng lên so với tháng 1. Đồng thời, Bộ Công thương đã xúc tiến các thị trường nhập khẩu thịt lợn. Trong khi đó, đại diện Hà Nội và TP.HCM cũng cho rằng nguồn cung thịt lợn không thiếu trong thời gian qua. Các DN chăn nuôi thì nói giá bán luôn thấp hơn giá thị trường nhưng thông báo lợi nhuận vẫn cao.
Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành (chủ trì là Bộ Công thương) phải trả lời cho Chính phủ tại sao giá thành thấp mà giá bán lợn lại vẫn cao và “không chịu xuống” dù nguồn cung không thiếu. Tổng cục Thuế cũng được giao sớm có yêu cầu kiểm tra hạch toán chi phí, giá thành, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước, tổn thất từ dịch của các DN chăn nuôi lớn, bảo đảm công khai minh bạch, tuân thủ pháp luật, chống độc quyền, gian lận thương mại và lợi ích nhóm (nếu có).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.