Nguy cơ thiếu điện vì dự án chậm tiến độ

18/07/2019 07:27 GMT+7

Cuộc họp của Bộ Công thương sáng 17.7 để tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng dù chỉ là “nội bộ”, song lại diễn ra trong một không khí rất nóng.

“Có nhà đầu tư chỉ chăm chăm bán dự án”

Ông Phương Hoàng Kim, Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, cho hay để đáp ứng nhu cầu điện với tốc độ tăng trưởng bình quân 8,6%/năm (phương án cơ sở trong Quy hoạch điện 7 điều chỉnh) thì sản lượng điện sản xuất cần bổ sung bình quân 26,5 tỉ kWh/năm, tương đương công suất nguồn cần thêm ít nhất 4.500 - 5.000 MW nguồn nhiệt điện hoặc từ 14.000 - 16.000 MW nếu là năng lượng tái tạo.
“Tuy nhiên, do nhiều dự án nguồn điện lớn bị chậm tiến độ so với quy hoạch, đặc biệt các nguồn điện BOT, các dự án nhiệt điện than, chuỗi dự án khí nên ngay cả khi huy động tối đa các nguồn điện, kể cả các nguồn điện chạy dầu giá cao thì hệ thống sẽ thiếu điện khoảng 6,6 tỉ kWh vào năm 2021, đến năm 2022 tăng lên khoảng 11,8 tỉ kWh, năm 2023 có thể lên đến 15 tỉ kWh”, ông Kim lo ngại.
Ngay cả khi huy động tối đa các nguồn điện, kể cả các nguồn điện chạy dầu giá cao thì hệ thống sẽ thiếu điện khoảng 6,6 tỉ kWh vào năm 2021
Ông Phương Hoàng Kim, Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo
Sốt ruột với việc có tới 47 dự án chậm hoặc chưa xác định tiến độ với tổng công suất lên đến 60.000 MW, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh yêu cầu phải mổ xẻ chi tiết nguyên nhân, trách nhiệm của các đơn vị liên quan và cần có khuôn khổ pháp lý để quy định chế tài, xử lý trách nhiệm. Ông Tuấn Anh cho rằng có những nguyên nhân khách quan, khó khăn do thay đổi cơ chế, quy định pháp luật..., song thực tế có không ít nguyên nhân chủ quan hoàn toàn có thể tháo gỡ được.
Dẫn câu chuyện các dự án do 3 “ông lớn” nhà nước là EVN, PVN và TKV làm chủ đầu tư, Bộ trưởng Tuấn Anh cho biết ngoại trừ EVN thực hiện nghiêm túc, thì hầu hết các dự án của TKV và PVN đều rất chậm, rất tệ, nhiều tồn đọng song các chủ đầu tư chậm trễ trong khắc phục.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói thẳng với các dự án BOT, do đây là các nhà đầu tư tư nhân, nên khi các thông số dự án thay đổi, không còn có lợi thì chủ đầu tư trì hoãn, thậm chí chăm chăm tìm cách bán dự án (như trường hợp nhiệt điện Long Phú 2). Thế nhưng, cơ quan quản lý chưa kịp xây dựng quy định pháp lý để chế tài, gắn với trách nhiệm của chủ đầu tư là thiếu sót.
Bên cạnh đó, ông Tuấn Anh cũng bức xúc vì câu chuyện nhiều lãnh đạo địa phương thi nhau xin rút các dự án một cách dễ dàng - khi chưa có cơ sở khoa học - đã phá vỡ kết cấu của tổng sơ đồ điện. “Còn chúng ta, với vai trò được giao chủ trì thực hiện tổng sơ đồ 7, là đầu mối trong quản lý nhà nước, thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia các dự án điện cũng phải xem lại mình. Tại sao khi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước chậm ý kiến với các dự án Thái Bình 2, Quảng Trạch 1... mà chúng ta không kiến nghị, để Ủy ban Quản lý vốn nằm ngoài ban chỉ đạo này? Sao thứ trưởng chủ trì họp giải quyết câu chuyện Thái Bình 2 theo chỉ đạo của Thủ tướng mà không có bộ, ngành nào đến họp thì sao chúng ta không báo cáo Thủ tướng xử lý trách nhiệm?”, ông Tuấn Anh nêu vấn đề.

1 điều chỉnh nhỏ cũng làm lại từ đầu

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng, nhiều dự án lớn gặp vướng mắc nhỏ, nếu các cơ quan liên quan quyết liệt thì hoàn toàn đẩy tiến độ lên để sớm đưa vào phát điện.
Phải nghiêm túc đánh giá lại vai trò của Ban Chỉ đạo quốc gia các dự án điện lực. Tại sao nhiệm kỳ trước có nhiều đề xuất được thông qua, như cơ chế đặc thù cho các dự án trọng điểm mà nay đã 3 năm rồi vẫn chưa ra được?
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh
“Ví dụ câu chuyện nhiệt điện Thái Bình 2, PVN chỉ đề nghị cho họ được dùng vốn tự có. Hay câu chuyện của Vĩnh Tân 3 kiến nghị cơ chế bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ với 30% vốn thì chúng ta đã có tiền lệ giải quyết cho nhiệt điện Vũng Áng rồi nên có thể xem xét, khi đó nhà đầu tư cam kết đảm bảo tiến độ”, ông Vượng nói.
Tương tự, ông Phương Hoàng Kim cho biết với Trung tâm điện lực Quảng Trạch, mặc dù chỉ điều chỉnh rất nhỏ một phần diện tích kẹt giữa 2 dự án để dân đồng thuận chứ không làm thay đổi công nghệ, công suất của dự án và đã được 2 bộ đồng ý song Ủy ban Quản lý vốn nhà nước vẫn yêu cầu xem xét lại từ đầu khiến dự án tiếp tục bị chậm. Do thay đổi trong hệ thống pháp luật từ luật Quy hoạch, luật Đầu tư, đầu tư công..., nên nhiều dự án từ 220 kV dù chỉ điều chỉnh nhỏ song cũng phải báo cáo Thủ tướng khiến trình tự kéo dài. Không ít dự án cũng đã trình lên Ủy ban Quản lý vốn từ lâu sau khi cơ quan này ra đời, song đến nay vẫn chưa có ý kiến với đề nghị của các tập đoàn, chủ đầu tư.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu trước mắt cần tập trung giải quyết tồn đọng các dự án lớn, sắp hoàn thành như Thái Bình 2, Quảng Trạch, Long Phú, Sông Hậu. Trong đó, Bộ trưởng Tuấn Anh đặc biệt nhấn mạnh đến việc xây dựng cơ chế làm việc với Ủy ban Quản lý vốn, Văn phòng Chính phủ để xác định trách nhiệm cụ thể.
“Như dự án Thái Bình 2, tại sao Thủ tướng chỉ đạo 2 lần, thông báo kết luận từ tháng 4 mà đến nay không thực hiện, Bộ cũng không tổng hợp để báo cáo Chính phủ? Sao đường dây 500 kV mạch 3 Thủ tướng chỉ đạo 3 lần mà vẫn không phê duyệt được chủ trương đầu tư, nhưng vẫn hòa cả làng?”, ông Tuấn Anh dẫn chứng.
Cùng với đó, Bộ trưởng Công thương yêu cầu đánh giá lại tổng thể các dự án quan trọng trong tổng sơ đồ 7, làm rõ tính chất, tình trạng, tác động, hệ lụy đến cân đối điện, ảnh hưởng an ninh năng lượng quốc gia.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.