Nguy cơ thiếu nguyên liệu mì vì dịch khảm

08/08/2018 17:00 GMT+7

Hiện tỉnh Tây Ninh đã thành lập ban chỉ đạo để tuyên truyền, vận động người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh khảm.

Dich bệnh khảm lá trên cây sắn (khoai mì) hiện chưa có thuốc đặc trị và đang hoành hành trên 50% diện tích trồng mì tại Tây Ninh - vùng nguyên liệu khoai mì lớn nhất cả nước và lây lan sang nhiều địa phương lân cận khiến ngành mì đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu trầm trọng.
Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật ( BVTV), đến đầu tháng 8.2018, đã có 23.247 ha khoai mì nhiễm, chủ yếu tại tỉnh Tây Ninh. Trong đó, diện tích nhiễm nặng 6.226 ha, tiêu hủy 180,5 ha. Bệnh đã xuất hiện gây hại lây lan sang các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP.HCM và Đắk Lắk.
Tại buổi làm việc về phòng chống bệnh khảm lá virus hại mì tại Tây Ninh vào cuối tháng 7.2018 vừa qua, ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết bệnh gây hại rất nghiêm trọng đến năng suất, trong đó thiệt hại thấp nhất là 50% và cao nhất đến 100%. Ngoài tác động trực tiếp cho người nông dân ở vùng dịch nó còn ảnh hưởng lan truyền sang các vùng khác và có nguy cơ gây tàn phá ngành sản xuất mì là ngành đang mang lại hiệu quả kinh tế và thu nhập lớn cho nông dân.
“Trong năm 2017, sắn và các sản phẩm từ sắn là một trong những mặt hàng xuất khẩu có giá trị trên 1 tỉ USD. Vì vậy, nếu chúng ta phá sản ngành này sẽ gây thiệt thòi rất lớn và ảnh hưởng đến đời sống của rất nhiều hộ nông dân”, ông Sơn nhấn mạnh.
Người dân vẫn ồ ạt trồng vì giá cao
Ông Võ Đức Trong, Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh, cho biết địa phương là vùng nguyên liệu mì lớn nhất cả nước, xuất khẩu trên 1 triệu tấn tinh bột khoai mì/năm. Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh xuất hiện sản lượng này đã giảm trên 50%. Cũng theo ông Trong, hằng năm, tỉnh Tây Ninh có diện tích trồng khoai mì từ 50.000 - 60.000 ha. Năm nay bắt đầu vào vụ Đông Xuân 2018 có giá rất cao là 3.000 - 3.600 đồng/kg củ mì tươi nên người đang có xu hướng lớn trồng lại cây mì. Mặt khác, thời điểm này cây mía đang gặp khó khăn do giá thấp, nhiều người trồng mía thấy không có hiệu quả nên chuyển sang trồng khoai mì mặc dù dịch khảm chưa được khống chế.
Hiện tỉnh Tây Ninh đã thành lập ban chỉ đạo để tuyên truyền, vận động người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh khảm. Trong đó, ngành chức năng đề nghị người dân hạn chế trồng khoai mì để cắt vụ chuyển sang những cây trồng khác, còn ở những ruộng mì đã bị nhiễm vận động bà con hủy bỏ để hạn chế lây lan. Tuy nhiên, theo ông Trong, vấn đề dập dịch hiện khá khó khăn bởi giá khoai mì cao cùng suất đầu tư cho ngành trồng mì đang rất lớn.
Ông Trong cho biết, hiện nay tất cả các giống phổ biến ở Tây Ninh như KM 419, HLS 11, KM 140... đều bị nhiễm nặng và nhiễm cực kỳ nặng. Ngành chức năng đề nghị người dân không trồng lại những giống này. Hiện tỉnh cũng triển khai đề tài nghiên cứu và sẽ đề nghị Bộ NN-PTNT cho nhập một số giống của những vùng lân cận như Thái Lan để khảo nghiệm trong vùng nhiễm nhằm đánh giá khả năng kháng vi rút, năng suất. Tuy nhiên theo ông Trong, để thay đổi giống thì cần có thời gian từ 3-5 năm mới có những kết quả toàn diện.
Liên quan đến các giải pháp “khống chế” bệnh khảm lá cho cây khoai mì, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đã đề nghị Viện Di truyền, tổ chức CIAT phối hợp với Viện Bảo vệ thực vật nhanh chóng tuyển chọn giống triển vọng kháng bệnh khảm lá đưa vào Tây Ninh để trồng thử nghiệm; Cục Trồng trọt phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, viện, trường… thực hiện mô hình trồng giống khoai mì sạch bệnh đã qua kiểm tra và kiểm soát theo quy trình phòng trừ dịch bệnh tại Tây Ninh để làm cơ sở khuyến cáo nông dân thực hiện trong thời gian tới…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.