Tại hội thảo “Truyền thông về hạ tầng giao thông: nhìn nhận và định hướng” do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức sáng nay, 4.9, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, chỉ ra nhiều bất cập trong trong quá trình triển khai các dự án giao thông.
“Không ai quan tâm đến các cam kết, chính sách thay đổi là các quyết định phê duyệt phương án tài chính, hợp đồng gần như bị xoá sạch hết. Ví dụ, khi luật Quản lý tài sản công ban hành, Bộ trưởng GTVT tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội đã đề nghị thu lại trạm thu phí La Sơn - Tuý Loan và các trạm khác, mà không trao đổi với nhà đầu tư, cũng như ngân hàng”, ông Hoàng cho hay.
Lãnh đạo tập đoàn này cũng dẫn ra ví dụ dự án Đèo Cả theo hình thức PPP, nhà nước cam kết cấp vốn 5.000 tỉ đồng, nhưng nay lại có quyết định thu hồi 1.180 tỉ, nhà đầu tư không biết kêu ai để giải quyết.
Bộ GTVT và các địa phương là các cơ quan trước đây thúc đẩy tiến trình dự án BOT rất hăm hở, nhưng khi xảy ra sự cố, theo ông Hoàng, gần như địa phương lờ đi, không tham gia các cuộc họp giải quyết. “Trước đây rải thảm đỏ đón nhà đầu tư thì hiện nay trở thành thảm đinh, nhà đầu tư thỉnh thoảng còn bị bồi thêm vài nhát nữa, ví dụ như thu hồi trạm thu phí, vướng chữ thì thu hồi tiền, vướng thông tư thì đè giá xuống. Thỉnh thoảng gắn thêm công cụ gì đó như thu phí không dừng, nhưng không tháo gỡ dây trói từ ngân hàng”, ông Hoàng dẫn chứng.
Nhà đầu tư này thậm chí chỉ rõ các ban quản lý dự án của Bộ GTVT chưa phát huy được vai trò của mình. Đơn cử như đấu thầu các dự án cao tốc Bắc - Nam, việc đưa ra các điều kiện rất phức tạp tạo ra rào cản cho doanh nghiệp trong nước không thực hiện được. Giả sử doanh nghiệp trong nước trúng thầu qua vòng sơ tuyển lại trở thành "chân gỗ" cho nhà đầu tư nước ngoài trong vòng 2.
“Ngân hàng trả lời không có tiền cho nhà đầu tư BOT vay, nên có vào được vòng 2 cũng kẹt trong thế làm "chân gỗ" cho nhà đầu tư nước ngoài. Bài học dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, nếu chọn giải pháp nhà đầu tư nước ngoài trúng thì nhà thầu trong nước chết hết vì bị bắt lỗi”, lãnh đạo tập đoàn Đèo Cả cho hay.
Trước phản ứng của nhà đầu tư, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ thừa nhận, thời gian qua, các nhà đầu tư chịu rất nhiều áp lực. Theo ông Thọ, nhà nước đã ký hợp đồng với nhà đầu tư rồi thì phải thực hiện đúng hợp đồng, bây giờ bảo đặt trạm không đúng lại cắt đi. Thời gian qua, do ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm chỉ số CPI, nên ảnh hưởng đến tăng giá BOT. Tới đây, Bộ GTVT sẽ tham mưu cho Ban điều hành giá của Chính phủ để nâng dần giá BOT.
“Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã giám sát về BOT, 117 đoàn thanh, kiểm tra đã đánh giá các mặt được, còn tồn tại, hạn chế, chúng tôi đã tiếp thu, nghiên cứu, điều chỉnh và cố gắng làm trong trách nhiệm tham mưu, quyền hạn của mình và hỗ trợ nhà đầu tư. Không phải chúng tôi vô cảm, thiếu trách nhiệm”, ông Thọ nói.
Bình luận (0)