Nhà đầu tư Trung Quốc tăng M&A doanh nghiệp Việt

29/11/2018 16:12 GMT+7

Trong 11 tháng của năm 2018, đã có 922 lượt góp vốn mua cổ phần của các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc tại Việt Nam với tổng vốn trên 500 triệu USD.

Số liệu trên vừa được công bố trong báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT).
Vốn gián tiếp gấp 3 lần trực tiếp
Theo báo cáo này, số lượt góp vốn và cả số dự án mua vào của các nhà đầu tư Trung Quốc đang gia tăng mạnh tại Việt Nam. Tính trung bình, có trên 80 dự án được thực hiện giao dịch mua bán sáp nhập, góp vốn bởi các nhà đầu tư Trung Quốc đang diễn ra tại Việt Nam.
Trong khi số lượt góp vốn, M&A của các doanh nghiệp Trung Quốc gia tăng thì ngược lại, lượng dự án đăng ký đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc thấp hơn nhiều. Cùng khoảng thời gian 11 tháng, số dự án được bỏ vốn gián tiếp từ nhà đầu tư Trung Quốc cao gấp 3 lần số dự án được bỏ vốn trực tiếp cũng từ Trung Quốc. Trong 11 tháng, có 922 lượt góp vốn và M&A từ Trung Quốc thì đầu tư trực tiếp từ quốc gia này chỉ đăng ký 335 dự án với tổng vốn hơn 890 triệu USD.
Không chỉ vốn gián tiếp từ Trung Quốc, vốn gián tiếp từ Hồng Kông, Đài Loan cũng đổ mạnh vào Việt Nam trong năm nay. Đã có 105 dự án tại Việt Nam được các nhà đầu tư Hồng Kông mua lại với số vốn hơn 220 triệu USD. Các nhà đầu tư từ Đài Loan có hơn 460 dự án, với số vốn hơn 365 triệu USD.
Như vậy, chỉ tính riêng khoản đầu tư gián tiếp, Trung Quốc đang có số lượt góp vốn, M&A đứng thứ 2 tại Việt Nam, sau Hàn Quốc. Bỏ rất xa các nhà đầu tư Nhật Bản và Singapore đang ở vị trí nhất nhì trong đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong 11 tháng qua, Nhật Bản 8 tỉ USD, Hàn Quốc đầu tư 6,8 tỉ USD và Singapore đầu tư hơn 4 tỉ USD vào Việt Nam. Trong đó, với Nhật Ban, chủ yếu là vốn đầu tư mới (6 tỉ USD), tăng thêm vốn vào dự án đang đầu tư (1,4 tỉ USD) và rất ít vốn đầu tư gián tiếp qua mua cổ phần (530 triệu USD). Tương tự, vốn đầu tư trực tiếp từ Hàn Quốc trong 11 tháng qua là hơn 3,4 tỉ USD, hơn 2 tỉ USD tăng vốn và 1,3 tỉ USD mua lại cổ phần các doanh nghiệp Việt Nam.
Nếu tính trung bình, số vốn cấp mới cho những dự án mới của đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam lên đến 15,5 triệu USD/dự án, của Singapore là 5,5 triệu USD/dự án, của Hàn Quốc là 3 triệu USD/dự án, của Trung Quốc là 2,6 triệu USD/dự án.
Như vậy, các nhà đầu tư Trung Quốc đang góp vốn vào những lĩnh vực kinh doanh nào tại Việt Nam?
Đầu tư dự án đòi hỏi trình độ công nghệ thấp và bất động sản
Trong báo cáo 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài của Bộ KH-ĐT, có chi tiết Bộ này lưu ý là dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam chỉ tập trung nhiều vào các dự án có vốn nhỏ, đòi hỏi trình độ công nghệ thấp đặc biệt rủi ro về môi trường rất cao. Cụ thể các dự án sản xuất chế biến thông thường trong lĩnh vực bao bì, hộp các tông, dệt nhuộm, nhiệt điện... Ngoài ra, báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho thấy, dòng tiền từ Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan trong vài năm gần đây đang chảy mạnh vào lĩnh vực bất động sản Việt Nam qua các thương vụ M&A.
Là nhà thầu xây dựng lớn tại Việt Nam, Coteccons trong Đại hội cổ đông năm nay từng thông tin từ năm 2014 đến nay, tổng giá trị doanh nghiệp này nhận thầu từ các nhà đầu tư Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan lên đến 26.300 tỉ đồng. Trong đó, có thể kể đến các dự án: Paihong, Manwah, Gain Lucky, First Team F-Power… Trong năm nay, công ty này đã ký hợp đồng thầu thi công nhà xưởng tại Bình Dương của Manwah (Đài Loan) trị giá lên đến 1.500 tỉ đồng. Dự án Waterpoint Long An của Nam Long Group cũng đã được bán cho nhà đầu tư Trung Quốc trong năm nay.
Nếu như năm ngoái, tập đoàn PH Group của Đài Loan nổi lên như nhà thâu tóm các dự án bất động sản lớn tại Việt Nam: Khu công nghiệp Bàu Bàng từ Becamex tại Bến Cát, Bình Dương; khách sạn Future Otis tại Nha Trang… năm nay, các thương vụ M&A trong lĩnh vực bất động sản của nhà đầu tư đến từ Hồng Kông Alpha King gây chú ý. Trong tháng 7 vừa qua, Alpha King đã ra mắt thương hiệu tại thị trường Việt Nam và đồng loạt giới thiệu 3 dự án bất động sản ngay trung tâm quận 1, TP.HCM mà công ty có vốn từ Hồng Kông - Trung Quốc này đang sở hữu. Bao gồm khu căn hộ cao cấp trên đường Tôn Đức Thắng, tòa nhà văn phòng trên đường Trần Hưng Đạo và khu phức hợp tên đường Cống Quỳnh.
Đó là những dự án bất động sản lớn, chưa tính những dự án bất động sản nhỏ lẻ kiểu nhà đầu tư thứ cấp đang được nhiều người Trung Quốc nhờ người mua hộ tại Đà Nẵng, Nha Trang mà báo chí phản ánh lâu nay. Như vậy, ngoài việc đầu tư trực tiếp vào những dự án sản xuất có vốn ít, công nghệ thấp, bất động sản Việt Nam là lĩnh vực đang hấp dẫn các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan nhiều nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.