Nhân dân tệ mất giá, tiền đồng vẫn ổn định

10/09/2019 15:41 GMT+7

Trong tháng 8.2019, thị trường tài chính toàn cầu biến động mạnh theo mức độ ngày càng gay gắt của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Báo cáo về thị trường tiền tệ tháng 8.2019 của Công ty chứng khoán SSI công bố hôm nay 10.9 cho thấy, tâm điểm tháng vừa qua là những đòn “ăn miếng trả miếng” theo mức độ ngày càng gay gắt của 2 bên Mỹ - Trung. Lần này, ngoài thuế quan đáp trả, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã chủ động nâng tỷ giá tham chiếu và để nhân dân tệ (CNY) mất giá qua mốc 7,0 CNY/USD. CNY ghi nhận mức giảm giá mạnh nhất theo tháng kể trong vòng 25 năm qua. Cụ thể, tỷ giá tham chiếu USD/CNY tăng mạnh từ 6,8841 lên 7,0879, tương đương mức tăng 3% so với tháng trước đó.
Sau đó, làn sóng nới lỏng tiền tệ trên toàn cầu lan rộng, có 23 ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất điều hành trong tháng 8. Xác suất Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất tại phiên họp ngày 18.9 vẫn ở mức rất cao nhưng nhiều khả năng Fed sẽ chỉ giảm ở mức tối thiểu khoảng 25 điểm phần trăm, xuống vùng 1,75 - 2,0%/năm. Đồng USD tiếp tục mạnh lên, hầu hết các đồng tiền đều giảm giá so với USD ngoại trừ các đồng tiền trú ẩn như JPY, CHF…
Theo SSI, ngược lại tiền đồng (VND) giữ giá ổn định nhờ các yếu tố tích cực trong nước. Cụ thể theo số liệu mới công bố của Ngân hàng Nhà nước, cán cân tổng thể quý 2/2019 của Việt Nam là dương 1,93 tỉ USD, lũy kế 6 tháng 2019 đạt mức dương 9,14 tỉ USD. Cán cân thương mại lũy kế 8 tháng thặng dư 3,4 tỉ USD. Dòng vốn FDI giải ngân lũy kế thời gian qua là 11,96 tỉ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước.
Nhờ vậy, nguồn cung USD trong tháng vừa qua rất dồi dào. Chốt tháng, tỷ giá giao dịch USD/VND giảm 10 đồng/USD trên ngân hàng, về mức 23.130 - 23.250 đồng/USD và tăng 30 - 40 đồng/USD trên thị trường tự do, lên mức 23.210 - 23.230 đồng/USD.
Ngược lại, tỷ giá trung tâm vẫn tiếp tục được điều chỉnh tăng 60 đồng/USD trong tháng vừa qua. Tính cả 8 tháng 2019, tỷ giá này đã tăng 308 đồng/USD - tương đương tăng 1,35% lên mức 23.133 đồng/USD. Nguyên nhân cơ bản là do 5/8 đồng tiền trong rổ tiền tệ để xác định tỷ giá trung tâm USD/VND là EUR, CNY, SGD, KRW, TWD đều giảm giá mạnh so với USD giai đoạn vừa qua.
Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên tỷ giá mua vào là 23.200 đồng/USD, tức là cao hơn tỷ giá mua vào của các ngân hàng thương mại 0,3% nên tiếp tục mua vào được lượng khá lớn ngoại tệ, tổng lượng mua vào ước tính còn lớn hơn lượng mua trong tháng 7. SSI nhận định, dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện tại đang ở mức cao nhất trong lịch sử, sẽ là tấm đệm quan trọng giúp Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá. Chênh lệch lãi suất VND - USD ở mức trên 1%, nguồn cung giai đoạn tới dự kiến vẫn dồi dào từ hoạt động thương mại, đầu tư và chuẩn bị bước vào mùa kiều hối nên nhiều khả năng tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục ổn định quanh vùng 23.200 đồng/USD.
Tương tự, theo ghi nhận của Công ty chứng khoán Rồng Việt, tính đến hết tháng 8.2019, trong khối các nền kinh tế Đông Nam Á (ASEAN) thì VND và baht Thái (THB) là 2 đồng tiền đứng yên hoặc tăng giá so với USD trong bối cảnh CNY giảm liên tục. "Đây là hiện tượng rất hiếm khi xảy ra đối với VND do quan hệ thương mại theo hướng nhập siêu rất lớn với Trung Quốc", chứng khoán Rồng Việt nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.