Nhật Bản - khách hàng lớn nhất của thủy sản Việt Nam

21/05/2019 07:01 GMT+7

Nhật Bản bất ngờ trở thành khách hàng nhập khẩu thủy sản lớn nhất của VN trong 4 tháng đầu năm nay.

Tăng trưởng tích cực

Dù đánh giá cao sự tăng trưởng của thị trường Nhật Bản nhưng Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe vẫn thận trọng: Hiện tại trong lúc các thị trường khác khó khăn mà thị trường Nhật vẫn tăng trưởng ổn định là điều rất đáng mừng. Tuy nhiên, để đánh giá đúng tình hình vẫn cần thêm thời gian theo dõi.
Trước nay, Nhật Bản luôn nằm trong tốp các thị trường chính của hàng thủy sản VN, nhưng đây có thể xem là lần đầu tiên thị trường này đứng ở vị trí số 1.
Cụ thể trong 4 tháng đầu năm nay, Nhật Bản đã nhập khẩu thủy sản của VN đạt giá trị lên tới 411 triệu USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2018. Điều này càng có ý nghĩa khi một trong những thị trường lớn nhất trước đây là Mỹ giảm gần 2%, chỉ đạt giá trị 386 triệu USD, tạm xếp thứ 3. Thị trường EU với 28 nước thành viên giảm tới 9,6% chỉ đạt 393 triệu USD, xếp thứ 2. Một thị trường nhiều năm gần đây liên tục gây bất ngờ về tốc độ tăng trưởng là Trung Quốc thì nay giảm đến 8,6%, chỉ còn đạt giá trị có 268 triệu USD, đứng thứ 4.
Đối với mặt hàng chủ lực là tôm, theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), trong top 8 thị trường nhập khẩu chính của tôm Việt Nam, Nhật Bản là thị trường duy nhất có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng dương trong tháng 3 năm nay.
Không chỉ với con tôm, VASEP còn cho biết người Nhật đang “mở lòng” với sản phẩm cá tra VN. Ba tháng đầu năm 2019, giá trị xuất khẩu cá tra vào Nhật đạt gần 8,6 triệu USD, tăng trên 60% so với cùng kỳ năm 2018. Nhiều sản phẩm khác như cá ngừ, mực, bạch tuộc… cũng tăng trưởng tốt.

Thêm nhiều cơ hội

Theo các chuyên gia, sở dĩ xuất khẩu vào Nhật tăng mạnh là nhờ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, tạo ra những ưu đãi về thuế suất và tác động tâm lý tích cực tới các nhà nhập khẩu. Với CPTPP, nhiều mặt hàng thủy sản được hưởng thuế 0% khi xuất khẩu sang Nhật Bản, trong đó một số mặt hàng được hưởng thuế suất 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, cụ thể là sản phẩm cá tra.
VASEP nhận định, sự tăng trưởng mạnh của sản phẩm cá tra ở thị trường Nhật Bản là do các doanh nghiệp kịp thời nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng. Trước đây, người Nhật hạn chế sử dụng các sản phẩm cá nuôi nước ngọt vì sợ mùi tanh. Nhưng người Nhật lại rất thích ăn lươn và giá bán rất cao (trung bình khoảng 24 USD/con). Tuy nhiên, lươn Nhật Bản đang đối mặt với nguy cơ cạn kiệt do bị đánh bắt quá nhiều. Các doanh nghiệp Nhật Bản nhập khẩu cá tra VN và chế biến để làm giống món lươn của Nhật Bản với giá rẻ bằng 1/3.
Ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cafatex (Cần Thơ), nhận định: Đối với con tôm, VN đã khẳng định được chất lượng tại thị trường Nhật. Nhờ CPTPP mà giá tôm của VN cạnh tranh hơn các nước khác như Thái Lan hay Ấn Độ. Chính vì vậy chúng ta có cơ hội duy trì tốc độ tăng trưởng mặt hàng tôm ở thị trường này trong thời gian tới. Thị trường Nhật đòi hỏi chất lượng cao nên giá trị cũng cao và ổn định là một lợi thế cho các nhà xuất khẩu của VN. Mặt khác, thói quen tiêu dùng của người Nhật rất khó thay đổi, nó là lợi thế cũng là hạn chế đối với một số mặt hàng của VN. Tuy nhiên, người Nhật vẫn thích dùng sản phẩm đánh bắt tự nhiên hơn nuôi trồng, do đó sản lượng dù tăng trưởng mạnh nhưng vẫn chưa nhiều. Với lợi thế về giá cả và chất lượng chúng ta vẫn có thể tin tưởng vào sự tăng trưởng của mặt hàng này ở thị trường Nhật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.