Nhiều cổ phiếu bị thao túng giá

25/09/2018 07:00 GMT+7

Sử dụng vài chục tài khoản để mua bán, làm giá cổ phiếu , nhiều cá nhân liên tục bị xử phạt do thao túng giá cổ phiếu nhưng dường như tình trạng này vẫn không ngừng diễn ra.

Phạt ít so với tiền lời
Việc truy soát những giao dịch đáng ngờ, biến động thất thường của cổ phiếu có thể theo dõi chặt chẽ và làm ngay trong vài phiên giao dịch. Nếu cần theo dõi thì chỉ cần không quá 3 tháng. Vậy tại sao phải để quá lâu mới xử phạt?
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN
Mới đây, ngày 20.9, Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) đã xử phạt ông Hoàng Minh Tú (Hà Nội) 550 triệu đồng do sử dụng 32 tài khoản khác nhau để liên tục mua, bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu KDM của Công ty cổ phần đầu tư HP VN. Thời gian làm giá cổ phiếu trên của ông Tú diễn ra trong hơn một năm, từ ngày 29.3.2016 - 17.4.2017 nhưng thông báo của UBCKNN cho biết qua kiểm tra, không có số lợi bất hợp pháp từ hành vi trên của ông Tú.
Tuy nhiên, nếu lấy giá cổ phiếu KDM từ ngày 29.3.2016, ngày KDM chính thức giao dịch trên sàn Hà Nội với giá 11.600 đồng/cổ phiếu và cũng là thời gian được xác định là ông Hoàng Minh Tú thao túng giá cổ phiếu cho thấy, cổ phiếu này nhanh chóng tăng lên mức 15.400 đồng chỉ sau một tháng, tăng gần 33%. Sau đó, cổ phiếu này liên tục lao dốc còn 5.500 - 6.000 đồng vào giữa năm 2016, rồi phục hồi lên lại 14.000 đồng vào cuối năm 2016, tương ứng tăng 234%. Từ đầu năm 2017, cơn sụt giảm không phanh của KDM lại diễn ra và xuống mức thấp kỷ lục là 3.400 đồng/cổ phiếu vào ngày 17.4. Chỉ cần giao dịch khoảng 300.000 cổ phiếu KDM (đây là lượng giao dịch tối thiểu một phiên trong thời gian này) thì tháng đầu lên sàn đã thu lời khoảng 1,2 tỉ đồng. Còn ở giai đoạn sau đó, giả sử có cùng lượng cổ phiếu trên thì nhà đầu tư sẽ bỏ túi khoản lời hơn gấp 2 lần vốn bỏ ra, khoảng 2,4 tỉ đồng...
Trước đó, ông Nguyễn Minh Tuấn (Hà Nội) cũng bị phạt 550 triệu đồng vì thực hiện hành vi thao túng cổ phiếu HID của Công ty cổ phần Halcom VN. Ông này đã sử dụng 2 tài khoản của mình và 36 tài khoản đứng tên người khác để liên tục mua, bán HID trong khoảng thời gian từ ngày 1.8.2016 - 30.3.2017. Thời gian này, giá HID từ mức 15.000 đồng/cổ phiếu đã tăng lên mức đỉnh 31.200 đồng vào cuối năm 2016, tăng 210%. Và sau đó bắt đầu chuỗi giảm giá không phanh về mức 5.180 đồng vào cuối tháng 3.2017.
Nếu tính từ đỉnh giá 31.200 đồng về đáy 5.180 đồng thì chênh lệch giá này là 600%. Lượng giao dịch cổ phiếu HID rất cao, thường xuyên đạt gần 2 triệu cổ phiếu/phiên và có những phiên giao dịch đạt 4 - 5 triệu cổ phiếu. Nhà đầu tư nào bỏ ra 1 tỉ đồng để lướt sóng cổ phiếu này có thể thu lời trên 5 tỉ đồng. Việc biến động lớn về giá cổ phiếu nói trên luôn là cơ hội lớn cho những nhà đầu tư đánh sóng và bên cạnh đó cũng là hàng loạt các nhà đầu tư sập bẫy, thua lỗ.
Từ đầu năm đến nay, UBCKNN đã xử phạt 5 cá nhân với cùng tội danh và mức phạt như trên và không có khoản thu lợi bất chính.
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Văn Thuận, không cần xác định có mức thu lợi hay chưa, chỉ cần xác định là hành vi thao túng giá chứng khoán cần phải xử phạt nặng. Việc không thu lợi có thể do diễn biến thị trường không theo ý kiến của cá nhân đó. Thế nhưng việc tạo cung cầu giả tạo khiến cổ phiếu biến động rất lớn chắc chắn đã làm thiệt hại cho rất nhiều nhà đầu tư khác khi tham gia mua bán.
Xử cá nhân cố tình vi phạm
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN, nhận định: Việc vi phạm liên quan đến giao dịch cổ phiếu như thao túng giá, mua bán chui, nội gián... dường như đang tăng. Đáng lưu ý theo ông Hải, hầu như những vụ làm giá cổ phiếu đều xảy ra 2 - 3 năm trước đó và đến nay UBCKNN mới công bố xử phạt. Điều này vô hình trung càng làm cho nhà đầu tư mất niềm tin vào cơ quan quản lý nhà nước. Trước đó, hiệp hội này cũng từng nhiều lần kiến nghị UBCKNN phải có những biện pháp chặt hơn như khóa tài khoản của các thành viên HĐQT, ban điều hành - là những người phải công bố thông tin trước khi giao dịch cổ phiếu. Sau khi có đăng ký mua hay bán thì tài khoản mới được “mở” để thực hiện giao dịch.
“Việc truy soát những giao dịch đáng ngờ, biến động thất thường của cổ phiếu có thể theo dõi chặt chẽ và làm ngay trong vài phiên giao dịch. Nếu cần theo dõi thì chỉ cần không quá 3 tháng. Vậy tại sao phải để quá lâu mới xử phạt? Trong thời đại ngày nay khi cách mạng công nghiệp 4.0 đã được áp dụng ở nhiều ngành nghề thì thị trường chứng khoán cũng cần phải công bố thông tin nhanh hơn. Từ đó mới tạo được niềm tin cho nhà đầu tư, thu hút dòng vốn tham gia vào thị trường”, ông Hải bình luận.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico, cần xem xét sửa các quy định liên quan theo hướng phạt chính các hành vi có thu lợi như thao túng giá cổ phiếu, không phải là phạt bổ sung như hiện nay. Ví dụ thay vì để mức cố định thì phải thay bằng mức phạt chính với mức 3 - 5 lần số thu lợi có được. Trường hợp không xác định được giá trị thì mới áp dụng khung tối đa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.