Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016 gửi đến Quốc hội với nhiều nội dung đáng chú ý, trong đó chỉ ra nhiều sai sót ở hàng loạt dự án lớn do các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn làm chủ đầu tư.
Điển hình trong số này là dự án tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng của Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (TKV). Cụ thể, đây là dự án được Kiểm toán Nhà nước xác định không đúng quy hoạch ngành khi TKV phê duyệt điều chỉnh với công suất từ 600.000 tấn/năm lên 650.000 tấn/năm. Điều này cũng “không đúng với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ".
Đáng chú ý, TKV áp dụng lựa chọn nhà thầu không đúng quy định và ký kết hợp đồng vượt giá gói thầu, ký giá trị hợp đồng EPC vượt tổng mức đầu tư. Theo Kiểm toán Nhà nước, hợp đồng EPC nhà máy Alumin 466 triệu USD nhưng tổng mức đầu tư dự án chưa được điều chỉnh tại thời điểm đó là 6.220 tỉ đồng, tương đương 387,5 triệu USD.
Chưa hết, dự án này cũng được kết luận là ký kết hợp đồng không đúng quy định khi hợp đồng EPC vượt giá gói thầu làm tăng chi phí đầu tư 113 triệu USD. Ngoài ra, theo cơ quan kiểm toán, dự án này cũng không thực hiện đúng cam kết với Thủ tướng Chính phủ về tiến độ khi xin chỉ định thầu. Cụ thể là gói thầu EPC cam kết sẽ hoàn thành có sản phẩm Alumin vào năm 2012 nhưng thực tế đến ngày 5.6.2016 mới cho ra sản phẩm.
Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cũng cho hay, một số dự án chủ đầu tư chưa huy động đủ vốn theo cơ cấu vốn trong phương án tài chính được duyệt. Ví dụ như tại dự án đường dây 500 kV nhiệt điện Duyên Hải - Mỹ Tho, vốn đối ứng của Tổng công ty truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) chỉ hơn 256 tỉ đồng, bằng 9,14% tổng mức đầu tư, thấp hơn 11,65% so với phương án tài chính được duyệt (20,79%).
Tương tự là dự án đầu tư xây dựng thủy điện Đakđrinh của Công ty CP thủy điện Đakđrinh - đơn vị trực thuộc Tổng công ty điện lực dầu khí Việt Nam. Kiểm toán cho hay chủ đầu tư không huy động đủ vốn để thực hiện dự án. Do vậy, chủ đầu tư phải sử dụng nguồn vốn sản xuất kinh doanh không có trong phương án tài chính được phê duyệt chi trả cho các chi phí trong giai đoạn đầu tư nhưng chưa được cấp thẩm quyền chấp thuận là 148,98 tỉ đồng.
Đặc biệt, dự án muối mỏ tại Lào của Tập đoàn Hoá chất, kiểm toán chỉ rõ, khi chưa được Bộ Tài chính bảo lãnh để giải ngân nguồn vốn vay nhưng tập đoàn này vẫn thực hiện ký hợp đồng.
Bình luận (0)