Nợ đọng phải xóa

04/03/2021 09:17 GMT+7

Tính đến cuối tháng 9.2020, tổng nợ thuế do ngành thuế quản lý chiếm khoảng 8,5% tổng số thu nội địa.

Theo Tổng cục Thuế, từ tháng 1 - 9.2020, ngành thuế đã triển khai các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế thuế theo quy định và nhận được sự phối hợp của các cấp, các ngành đã thu được 20.292 tỉ đồng, đạt 60% chỉ tiêu được giao, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2019. Tính đến cuối tháng 9.2020, tổng nợ thuế do ngành thuế quản lý chiếm khoảng 8,5% tổng số thu nội địa.
Trong đó, số nợ thuế không còn khả năng thu hồi (của người nộp thuế đã chết, mất tích, đã tự giải thể, phá sản, không còn hoạt động tại địa chỉ kinh doanh...) chiếm 44% tổng số tiền thuế nợ, tương ứng 46.477 tỉ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2019. Số nợ thuế tăng do người nộp thuế (NNT) chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh dẫn đến chậm nộp tiền thuế.
Ngoài ra, một số đơn vị chây ì không nộp thuế đúng hạn, nợ thuế kéo dài, cơ quan thuế xử phạt, tính tiền chậm nộp khiến nợ thuế ngày càng tăng thêm. Những tháng cuối năm 2020, Tổng cục Thuế đã tổ chức các đoàn công tác, đôn đốc thu hồi nợ thuế và kiểm tra thực hiện xử lý hồ sơ nợ thuế lớn; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan (như các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, cơ quan kế hoạch và đầu tư, tài nguyên và môi trường) để thực hiện cưỡng chế, thu nợ thuế, nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản...
Để giảm số nợ thuế tồn đọng nhiều năm chưa được giải quyết mà “lơ lửng” cứ phát sinh thêm tiền chậm nộp làm cho nợ ngày càng gia tăng, năm 2019 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 94 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với NNT không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước và có hiệu lực từ ngày 1.7.2020.
Nghị quyết được tổ chức thực hiện trong thời hạn 3 năm, đến hết 30.6.2023. Tiền thuế được xóa là đã phát sinh trước ngày 1.7.2020. Đồng thời, đối tượng được xóa nợ là NNT đã chết, người bị tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự; NNT có quyết định giải thể gửi cơ quan quản lý thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh để làm thủ tục giải thể...
Theo Tổng cục Thuế, tính đến tháng 9.2020, số nợ thuế không còn khả năng thu hồi của NNT đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, không còn hoạt động tại địa chỉ kinh doanh chiếm 44% tổng số tiền thuế nợ, tương ứng 46.477 tỉ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2019. Cơ quan thuế hiện nay đang thực hiện khoanh, xóa nợ thuế đọng theo Nghị quyết 94. Kết quả tính đến tháng 7.2020 cho thấy, số tiền thuế chậm nộp được xóa là 3.092 tỉ đồng và số thuế khoanh nợ là 5.117 tỉ đồng.
Theo TS Châu Huy Quang, luật sư điều hành Hãng luật Rajah & Tann LCT, để thu hồi nợ thuế có hiệu quả, cần xây dựng cơ chế liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước để tiện cho việc thu thập và xử lý thông tin tài sản của người nợ thuế. Ngoài ra, cũng cần thiết nâng mức lãi chậm nộp và tăng mức xử phạt vi phạm đối với hành vi cố ý chậm nộp tiền thuế. Đồng thời, cơ quan thuế cần tăng cường cải cách thủ tục hành chính thuế, ứng dụng công nghệ vào hoạt động theo dõi, triển khai nộp thuế, truy thu thuế cùng là giải pháp đồng bộ không thể thiếu trong quá trình quản lý thuế của cơ quan nhà nước”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.