Nợ xấu ế vì giá cao

16/10/2018 06:55 GMT+7

Chủ tịch một công ty mua bán nợ nói thẳng nợ xấu như một “khúc xương” nên giá bán nợ phải thấp hơn giá thị trường thì mới đủ hấp dẫn. Chứ giữ quan điểm bán nợ không mất vốn thì rất khó.

Nghị quyết 42 tưởng sẽ “tháo” được vướng mắc giúp các ngân hàng xử lý khối nợ xấu tồn đọng hàng thập niên trong hệ thống, nhưng thực tế việc bán đấu giá các khoản nợ xấu hầu hết ế ẩm dù đó là dự án nằm ở vị trí đắc địa.
Giảm giá vẫn ế
Chiều 8.10, hạn cuối nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá khoản nợ của Công ty CP Thuận Thảo Sài Gòn và 92 khách hàng, nhưng không có người tham gia. Đây là lần thứ 3, khoản nợ này được mang ra đấu giá, tuy nhiên “số phận” cũng giống như 2 lần trước: ế. Trong đợt đấu giá đầu tiên vào tháng 8, mức giá khởi điểm bằng với khoản nợ gốc là 1.208 tỉ đồng, sau đó giảm xuống 1.090,373 tỉ đồng, 1.035,855 tỉ đồng và mới nhất là khoản nợ Thuận Thảo Sài Gòn vừa công bố giảm giá đấu phiên tới 51,792 tỉ đồng so với trước, còn 984,063 tỉ đồng do không có nhà đầu tư đăng ký mua.
Nhưng đây không phải là trường hợp cá biệt mà là tình trạng chung đối với nhiều khoản nợ được mang ra đấu giá trước đó. Khoản nợ của Công ty TNHH Thành Phố Vàng với tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất 7.851,2 m2 (P.Phú Hữu, Q.9, TP.HCM) đấu giá nhiều lần, nhưng cũng không bán được dù lần sau giá đã giảm hơn lần đấu giá trước.
Là khoản nợ thu hồi đầu tiên theo Nghị quyết 42, dự án phức hợp Sài Gòn One Tower có vị trí đắc địa (34 Tôn Đức Thắng, Q.1, TP.HCM). Thế nhưng, hơn 1 năm trôi qua, khoản nợ này vẫn chưa được xử lý khi mức đấu giá lên tới 6.110 tỉ đồng (tổng dư nợ gốc lẫn lãi lên hơn 7.000 tỉ đồng). Theo giới đầu tư, dự án này mới chỉ hoàn thành phần thô nhưng bỏ hoang tới gần thập niên nên ngoài số tiền trên, người mua còn phải bỏ ra một số tiền lớn để triển khai tiếp dự án nên muốn bán được cũng không dễ.
Chẳng riêng dự án ngàn tỉ, các khoản nợ xấu có giá trị nhỏ hơn nhưng không phải bất động sản càng khó. Thực tế có nhiều trường hợp đấu giá nợ xấu không phải bất động sản đều ế, không có khách hàng tham gia. 
Tâm lý săn hàng giảm giá
Là đơn vị thực hiện tổ chức đấu giá khoản nợ Công ty Thuận Thảo Sài Gòn, ông Nguyễn Chí Hiếu, Giám đốc Công ty đấu giá Lam Sơn, cho biết có khoảng 4 - 5 nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu khoản nợ này nhưng họ vẫn chưa quyết định tham gia đấu giá do kỳ vọng dưới mức 1.000 tỉ đồng. Những khoản nợ bán trọn gói lớn như thế này rất “kén” khách nên phải tổ chức nhiều lần. Bởi ngoài năng lực tài chính, nhà đầu tư tham gia còn phải định giá tài sản, xây dựng phương án, mục đích sử dụng những tài sản đấu giá này như thế nào… rồi sau đó đưa ra mức giá mua hợp lý. Số lượng khoản nợ gần đây được các ngân hàng, Công ty quản lý tài sản (VAMC) mang ra đấu giá tăng khá nhiều so với trước, dẫn đến cung nhiều hơn cầu.
Chủ tịch một công ty mua bán nợ nói thẳng nợ xấu như một “khúc xương” nên giá bán nợ phải thấp hơn giá thị trường thì mới đủ hấp dẫn. Chứ giữ quan điểm bán nợ không mất vốn thì rất khó. Đặc biệt các công ty chỉ mua nợ có tài sản đảm bảo là bất động sản, còn đối với tài sản đảm bảo là máy móc, thiết bị, hàng tồn kho..., đa phần nói “không”.
Mặc dù Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu cho phép bán nợ xấu theo giá thị trường, nhưng các chủ nợ thường không muốn lỗ nặng nên vẫn đưa ra mức giá cao hoặc bằng nợ gốc. Trong khi đó, trước đây có tình trạng một số tài sản đảm bảo đẩy định giá lên cao để được cho vay nhiều hơn. Nếu đòi bán với giá vốn vay thì cũng là quá cao, rất khó có người mua.
Chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cho rằng ngân hàng muốn bán nợ giá cao là điều đương nhiên, khi thị trường không chấp nhận thì điều chỉnh giá giảm xuống. Nghị quyết 42 của Quốc hội cho phép mua bán nợ xấu theo giá thị trường, thậm chí chấp nhận giá thấp hơn so với giá sổ sách là hỗ trợ rất lớn cho các ngân hàng bán nợ xấu. Tuy nhiên, việc bán nợ theo giá thị trường không phải dễ, đặc biệt là những khoản nợ lớn cần phải có công ty định giá chuyên nghiệp.
Theo kế hoạch, trong năm nay, VAMC sẽ mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt phát hành tối đa 32.000 tỉ đồng, mua nợ theo giá thị trường là 3.500 tỉ đồng. Tổng số tiền xử lý các khoản nợ xấu đã được phê duyệt khoảng 34.504 tỉ đồng (dư nợ gốc). Thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến giữa năm 2018, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống là 2,09%, giảm so với thời điểm cuối năm 2016 là 2,46%.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.