Nói không với đồ nhựa dùng một lần: Cần nhiều giải pháp đồng bộ

06/08/2019 07:54 GMT+7

Trước vấn nạn rác thải nhựa ngày càng gia tăng đe dọa đến môi trường sống, nhiều quốc gia đã sử dụng các giải pháp để hạn chế việc xả rác.

Từ đầu tháng 4 năm nay, chính phủ Hàn Quốc đưa ra chiến dịch cấm sử dụng túi nhựa dùng một lần tại các siêu thị và cửa hàng bán lẻ lớn trên khắp Hàn Quốc. Ước tính có khoảng 2.000 đại siêu thị và khoảng 11.000 siêu thị với diện tích sàn bán hàng từ 165 m2 trở lên bị cấm cung cấp túi nhựa dùng một lần cho khách hàng. Những nhà bán lẻ tại Hàn Quốc nếu vi phạm lệnh cấm này có thể bị phạt số tiền lên đến 3 triệu won (tương đương 2.644 USD).
Hay mới nhất vào giữa tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Justin Trudeau của Canada công bố tất cả sản phẩm nhựa dùng một lần như ống hút, túi ni lông hay dao, đĩa nhựa sẽ bị cấm từ năm 2021.
Tại VN, nhiều chuyên gia cho rằng nên sử dụng đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau để hạn chế vấn nạn này. Bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục ý thức của người dân thì phải có nhiều chính sách cụ thể hơn, trong đó bao gồm cả việc chế tài những đơn vị, cá nhân vi phạm. Ông Nguyễn Trung Việt, nguyên Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM, nhận định nguyên nhân chính khiến việc sử dụng các loại túi ni lông, túi nhựa ở VN tràn lan là do thói quen lâu năm của người dân, giá các sản phẩm này quá rẻ trong khi ý thức bảo vệ môi trường chưa cao. Lượng rác thải nhựa từ người dân dù ít nhưng lại dễ tràn xuống ao hồ, trôi ra sông biển và tràn ngập khắp nơi do công tác tái chế quá kém. Vì vậy, bên cạnh việc khuyến khích người dân giảm rác thải nhựa, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, nhà nước phải có những giải pháp đồng bộ như đưa ra lộ trình cấm sản xuất túi ni lông hay các loại ly cốc nhựa dùng một lần. Lộ trình cũng không thể kéo dài đến 10 - 15 năm mà phải làm ngay vì vấn nạn này đang trở nên nghiêm trọng.
Quan trọng hơn, ông Nguyễn Trung Việt nhấn mạnh, phải làm thế nào để khuyến khích được hoạt động tái chế với nhiều đơn vị tham gia. Điều này sẽ tạo ra lợi ích về kinh tế cho nhiều thành phần tham gia cũng như toàn xã hội. Rất nhiều sản phẩm có giá trị tái chế rất cao. “Mỗi năm chi hàng trăm tỉ đồng để thực hiện phân loại rác tại các hộ gia đình nhưng vẫn chưa có kết quả. Vì vậy, có thể xây dựng cơ chế, tập trung hỗ trợ hoặc nhà nước đầu tư vào công nghệ xử lý rác hỗn hợp. Chúng ta tập trung vào giải pháp thu gom, xử lý hay tái chế ở đầu cuối là cách chủ động để giảm thiểu lượng rác thải tràn ra môi trường hằng ngày”, ông Việt đề xuất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.