Nội thất Việt sang Mỹ tăng 31%
Theo Furniture Today, năm 2020, Việt Nam đã xuất 7,4 tỉ USD đồ nội thất sang Mỹ, tăng 31% so với năm 2019. Trong khi đó, Trung Quốc đã xuất 7,33 tỉ USD sang thị trường này trong cùng kỳ, giảm 25% so với năm 2019. Furniture Today nhận định dù khoảng cách là tương đối nhỏ, nhưng vị trí của Việt Nam trên thị trường thế giới cho thấy ngành nội thất nước này đã phát triển như thế nào trong những năm qua.
Không chỉ có thị trường Mỹ, xuất khẩu đồ gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường EU cũng tăng rất tốt. Tháng 4 đạt 27 triệu USD, tăng 102% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung trong 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang EU ước đạt 247,1 triệu USD, tăng 31,3% so với cùng kỳ năm ngoái
|
Trong khi đó, các lô hàng của Việt Nam đã tăng 9% lên 4,2 tỉ USD (từ 3,9 tỉ USD trong năm 2017). Chuyển biến “mạnh mẽ” hơn bắt đầu vào năm 2019, khi hàng nội thất Trung Quốc xuất sang Mỹ giảm 28% xuống còn 9,7 tỉ USD. Cùng thời điểm, hàng Việt Nam tăng 35% lên khoảng 5,7 tỉ USD.
Furniture Today dẫn lời Giám đốc điều hành của Tập đoàn nội thất Riverside (Mỹ) cho biết hàng nội thất phòng ngủ, phòng ăn, nội thất văn phòng và phòng làm việc tại nhà đều được doanh nghiệp này nhập khẩu phần lớn từ Việt Nam. Vị này cũng khẳng định Việt Nam phù hợp trong lĩnh vực sản xuất nội thất “như là nguồn cung hàng đầu” của doanh nghiệp. Cũng theo tạp chí trên, một số ý kiến khác nhận định thuế suất đối với hàng hóa từ Trung Quốc vào Mỹ đã tác động đến giá cả. Đại diện của Hãng Klaussner Home Furnishings cho biết doanh số bán hàng trong phân khúc gỗ từ Việt Nam đã tăng 10% trong năm 2020. Đồ nội thất bằng gỗ khác là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất từ Việt Nam với 1,9 tỉ USD, tăng 43% so với năm trước.
Cẩn trọng với các biện pháp phòng vệ thương mại
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM, cũng cho biết xuất khẩu đồ nội thất của Việt Nam sang Mỹ tăng mạnh, hiện thị trường Mỹ chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu nội thất và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam.
Tuy nhiên, ông cảnh báo: “Cũng cần “tỉnh táo” để thấy rõ những doanh nghiệp xuất khẩu nội thất chiếm trị giá lớn phần lớn là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong đó FDI từ Trung Quốc trong vài năm trở lại đây lại chiếm con số lớn”.
Có 2 lo lắng mà ngành sản xuất đồ nội thất cần nhìn thấy. Đó là khi các nhà đầu tư nước ngoài tìm cơ hội từ Việt Nam bằng việc tăng tốc đầu tư, tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu và tiền thuê mặt bằng sản xuất sẽ tăng mạnh gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp trong nước. “Những doanh nghiệp sản xuất quy mô nhỏ hơn, trước sự “tấn công” ồ ạt của các doanh nghiệp ngoại, nguy cơ bị đào thải nhiều hơn”, ông Phương nhấn mạnh. Điều lo lắng thứ 2, theo ông Phương, là nguy cơ đồ gỗ và sản xuất từ gỗ của Việt Nam bị điều tra phòng vệ thương mại nếu xuất hiện tình trạng doanh nghiệp ngoại đầu tư “núp bóng”, chỉ làm công đoạn cuối xuất khẩu sang Mỹ.
“Thực tế ngành hải quan cuối năm vừa qua đã có cảnh báo hơn chục doanh nghiệp ngoại mới thành lập, kim ngạch xuất khẩu tăng đột biến, nhà xưởng không bao nhiêu..., nhưng đến nay việc điều tra chưa ra. Đó là nguy cơ mà những doanh nghiệp làm ăn chân chính trong ngành tại Việt Nam lo lắng”, ông Phương nói và dẫn chứng việc 7 doanh nghiệp làm hàng sofa tại Việt Nam vừa bị phía tòa án Canada kết luận sơ bộ áp thuế 101,5% vừa qua là lời cảnh báo.
Bình luận (0)